Trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải với nội dung chất vấn của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh thuộc Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội về vấn đề giao thông tại TP. Hà Nội

16/01/2017

Nội dung chất vấn của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh tại Kỳ họp thứ 2 đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải v/v đường giao thông lún nứt nghiêm trọng do các xe ô tô quá khổ, quá tải chở hàng hóa đi qua và cơ sở hạ tầng giao thông khu phía Nam TP. Hà Nội chưa được quan tâm đúng mức.

          Câu hỏi 1:

          Kính thưa Bộ trưởng,

          Rất nhiều cử tri phản ánh đường Quốc lộ 419 đoạn qua huyện Mỹ Đức thành phố Hà Nội hiện có tình trạng các xe ô tô quá khổ, quá tải chở hàng hóa, vật liệu xây dựng thường xuyên qua lại (giữa Hà Nội- Hà Nam và ngược lại) hoạt động ngày đem, gây lún nứt nghiêm trọng đường giao thông và các công trình nhà dân hai bên đường. Giao thông trên tuyến Quốc lộ này đã và đang thực sự gây bức xúc, hoang mang, lo lắng cho người dân, cử tri nơi đây. Các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở nơi đây thực sự rất bất lực vì thiếu các phương tiện và chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông. Đã có nhiều phóng sự phản ánh của Truyền hình Quốc hội và các cơ quan truyền thông khác về tình trạng bất cập này.

          Đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng cần phải làm gì để sớm giải quyết tình trạng trên đây?

          Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

 

          Câu hỏi 2:

          Kính thưa Bộ trưởng,

         Trong các cuộc tiếp xúc cử tri và đi khảo sát trực tiếp về giao thông vận tải các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên (phía Nam thành phố Hà Nội), đại biểu nhận thấy: Đây là vùng đất cổ, nằm giữa lưu vực sông Hồng, sông Nhuệ- Đáy, là trung tâm của đồng bằng Bắc bộ nổi tiếng "đất trăm nghề", với rất nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa truyền thống lâu đời, có tiềm năng, lợi thế để "phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn" cho Thủ đô và Đất Nước. Tuy nhiên, địa hình nơi đây thuộc vùng chiêm trũng, thuần nông, thuộc vùng sâu, vùng xa của Hà Nội, có đồng bào dân tộc thiểu số, mức sống người dân còn rất nhiều khó khăn, hạ tầng giao thông chưa được quan tâm đầu tư nên càng gây bất lợi trong phát triển kinh tế xã hội nói chung, phát huy tiềm năng du lịch, văn hóa, lịch sử của địa phương nói riêng.

          Đặc biệt, có ba vấn đề nổi lên về giao thông vận tải sau đây:

          1) Đường cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ và đường sắt chạy song song dọc huyện Thường Tín, Phú Xuyên thành phố Hà Nội từ Bắc xuống Nam, bên cạnh lợi ích chung cho cả nước, thực tế đã và đang gây trở ngại cho giao thông hướng Đông- Tây của các xã miền Đông của hai huyện đi theo hướng vào Quốc lộ 1A cũ vì mặt đường hẹp, cống chui quá thấp, cản trở các phương tiện vận tải lớn qua đây. Đặc biệt, từ khi trạm thu phí BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ đi vào hoạt động, khu vực thị trấn Thường Xuyên và Phú Xuyên trở thành nút giao xung đột giao thông đường sắt, Quốc lộ 1A, tỉnh lộ 427, 428 và 429. Vì vậy, hiện tượng ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1A cũ và các tuyến đường trên đây thường xuyên xảy ra, đặc biệt vào giờ cao điểm, ngày lễ, tết, thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Áp lực đối với người tham gia giao thông và nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt và Quốc lộ 1A cũ là rất lớn.

          Tại khu vực này nhiều lần đã xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường sắt đường bộ nghiêm trọng, thường xuyên gây lo lắng, bức xúc cho cử tri nơi đây. Nhiều cử tri phàn nàn: Cùng là địa phương nằm dọc ven Quốc lộ 1A, nhưng huyện Phú xuyên và Thường tín của Hà Nội chưa được quan tâm đầu tư hỗ trợ phát triển như các huyện của các tỉnh khác.

          2) Các tuyến đường (Quốc lộ 21B, tỉnh lộ 428, 429A, 429C, 425, 426, 419, 424, đường Đê tả Đáy...) trên địa bàn huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức được xây dựng từ lâu, mặt đường hẹp, chất lượng kém, hiện đã xuống cấp trầm trọng, phần lớn chưa được tu bổ, nâng cấp, thiếu hệ thống đèn chiếu sáng; vẫn phải duy trì 9 cầu phao bắc qua sông Đáy...Việc giao thông, vận tải của người dân trên dịa bàn và các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô hết sức khó khăn, bức bách.

          3) Giao thông thủy nội địa trên các sông, hồ thuộc các huyện này chưa được quan tâm, chưa phát huy được tiềm năng lợi thế giao thông trên sông Hồng và lưu vực sông Nhuệ-Đáy...

          Luật Thủ đô quy định: "1. Hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn Thủ đô được quy hoạch, xây dựng, phát triển đồng bộ, hiện đại, bảo đảm sự liên kết giữa Thủ đô với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Vùng Thủ đô và cả nước, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh; tập trung đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thủ đô. 2. Các đoạn tuyến quốc lộ đi qua địa bàn Thủ đô được giao cho UBND thành phố Hà Nội tổ chức quản lý, bảo trì theo quy hoạch, trừ đường cao tốc và một số tuyến quốc lộ đã được phê duyệt quy hoạch là đường cao tốc, Quốc lộ 1, Đường Hồ Chí Minh, đường vành đai ngoài cùng" (Điều 18); "Đối với một số công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi do thành phố Hà Nội quản lý vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ ngân sách trung ương cho ngân sách Thủ đô để triển khai thực hiện cho từng dự án" (Điều 21).

          Vậy, đề nghị Bộ trưởng cho biết:

          1) Trong quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống giao thông trục Bắc- Nam, vì sao lại để tình trạng bất cập, khó khăn quá lâu, thiếu công bằng, gây bức xúc cho nhân dân các địa bàn trên đây?

          2) Bộ trưởng cần phải làm gì để sớm khắc phục những bất cập, thiếu công bằng nêu trên đây, góp phần phát huy tiềm năng lợi thế về du lịch, giao thông thủy nội địa khu vực này và liên tỉnh thuộc Vùng Thủ đô?

          Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh

(Văn bản số 416/TTKQH-GS ngày 01/12/2016 của Tổng thư ký Quốc hội v/v chuyển chất vấn của ĐBQH)

File đính kèm
Các bài viết khác