Tọa đàm “Đánh giá công tác tài chính trong lĩnh vực văn hóa- giáo dục”

13/04/2017

Thực hiện chương trình công tác năm 2017, sáng 13/4, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh nhiên, Thiếu niên và Nhi đồng đã tổ chức cuộc Tọa đàm “Đánh giá công tác tài chính trong lĩnh vực văn hóa- giáo dục”. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì tọa đàm.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN & NĐ Phan Thanh Bình chủ trì tọa đàm 

Tham gia tọa đàm có đại diện Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài Chính cùng các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa- giáo dục.

Để góp phần nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn vốn quốc gia cho lĩnh vực văn hóa- giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh nhiên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị các đại biểu đánh giá trung thực về chính sách tài chính mà nước ta đang triển khai trong lĩnh vực văn hóa- giáo dục; góp ý về phương pháp, công cụ giám sát của Quốc hội, đề xuất nguồn dữ liệu chuyên môn tin cậy cho lĩnh vực này.

Tăng cường giám sát mục tiêu đầu tư của địa phương

Trong những năm qua, Nhà nước ta vẫn luôn dành một tỷ lệ ngân sách đáng kể đầu tư cho giáo dục đào tạo, chiếm 20% so với tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nhiều địa phương trong nước khi Bộ Tài chính cấp kinh phí lại chuyển nguồn vốn này sang ưu tiên xây dựng đường xá, các dịch vụ an sinh xã hội khác. Bên cạnh đó, có 80- 90% kế hoạch nguồn vốn được phân bổ là chi cho sự nghiệp, chi thường xuyên, chỉ có 10- 15% là chi cho đầu tư phát triển.  Tương tự như vậy, đối với lĩnh vực văn hóa, kế hoạch dự kiến vốn cho đầu tư phát triển chỉ chiếm 20- 30% so với vốn đầu tư sự nghiệp.

Theo ý kiến của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để việc phân bổ ngân sách cho lĩnh vực văn hóa- giáo dục từ Trung ương về địa phương đúng theo kế hoạch của Trung ương, Quốc hội nên chú trọng giám sát mục tiêu mà các địa phương đặt ra cho mình trong từng giai đoạn và nguồn lực dự kiến để thực hiện mục tiêu đó. Đồng thời, xem xét cơ chế phân bổ giữa vốn chi đầu tư phát triển và vốn chi thường xuyên, sự nghiệp như hiện nay đã hợp lý hay chưa.

Cần xây dựng cơ chế phân bổ ngân sách mang tính tập trung

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong giai đoạn 2011- 2015, tổng nguồn vốn phân bổ cho lĩnh vực văn hóa- giáo dục là hơn 3000 tỷ cho 20 đơn vị Bộ, ngành Trung ương để thực hiện hơn 100 dự án đầu tư, tính đến thời điểm hiện tại có 60 dự án đã được hoàn thành, các dự án còn lại vẫn đang trong quá trình triển khai. Đánh giá thực trạng hiện nay nước ta đang có quá nhiều chương trình, đề án về phát triển văn hóa- giáo dục, do vậy nguồn tài chính đầu tư cho lĩnh vực này đang bị xé lẻ, đầu tư dàn trải, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, cần phải lựa chọn ra các đề án, chương trình đáng được quan tâm, ưu tiên thực hiện, xác định đúng những việc cần làm theo đúng mục tiêu phát triển chung của cả nước để phân bổ nguồn vốn đầu tư đúng mức.

Nhiều đại biểu khác cho rằng hệ thống tài chính ở nước ta đang bị chia nhỏ quá nhiều từ nguồn thu cho đến nguồn chi, và để khắc phục tình trạng này, quan tâm việc xây dựng lại cơ chế phân bổ ngân sách mang tính tập trung nhiều hơn là việc làm cần thiết. Ngoài ra, để phát huy tối đa vốn đầu tư cho lĩnh vực văn hóa- giáo dục, các ý kiến tham gia tọa đàm cũng đề cập tới nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý tài chính; đề xuất các nguồn tiếp cận dữ liệu chuyên môn; gợi ý các phương án nhằm xây dựng cơ chế phân bổ ngân sách mang tính tập trung hơn…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN & NĐ Phan Thanh Bình phát biểu tại tọa đàm

Tiếp thu những ý kiến góp ý của các đại biểu, chuyên gia tại Tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình khẳng định, đây sẽ là cơ sở quan trọng để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh nhiên, Thiếu niên và Nhi đồng nhìn rõ hơn thực trạng công tác tài chính trong lĩnh vực văn hóa- giáo dục thời gian qua; đồng thời là căn cứ để Ủy ban nghiên cứu, đề ra các giải pháp giúp việc phân bổ ngân sách nhà nước trong lĩnh vực này hợp lý và hiệu quả hơn trong tình hình mới. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình mong muốn các đại biểu, chuyên gia tham gia Tọa đàm hôm nay sẽ tham gia vào tổ tư vấn, tiếp tục tích cực góp ý, cung cấp thông tin, giúp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh nhiên, Thiếu niên và Nhi đồng nghiên cứu sâu về vấn đề này.

Tin và ảnh: Thu Phương

Các bài viết khác