Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc tại Điện Biên

28/01/2010

Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, Điện Biên có 72 xã và 29 bản đặc biệt khó khăn được thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn II.

Ngày 25 - 27.1, Đoàn giám sát của UBTVQH do Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ tịch HĐDT K’sor Phước làm Trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh Điện Biên về việc thực hiện xóa đói, giảm nghèo qua Chương trình 135 giai đoạn II (2006 - 2010); việc quản lý, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án liên quan trực tiếp đến xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn.

 

Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, Điện Biên có 72 xã và 29 bản đặc biệt khó khăn được thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn II. Việc thực hiện Chương trình 135 kết hợp với việc lồng ghép các chương trình, dự án khác đã phát huy sức mạnh tổng hợp của các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh,  góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 44,06% năm 2005 xuống còn 34,57% năm 2009. Đến hết năm 2009, Điện Biên có 1 xã cơ bản hoàn thành mục tiêu Chương trình; tỉnh đề nghị bổ sung kịp thời 5 xã mới được thành lập vào diện được thụ hưởng Chương trình 135; tiếp tục thực hiện các chính sách khác để đầu tư, hỗ trợ cho các vùng đặc biệt khó khăn sau khi Chương trình 135 giai đoạn II kết thúc...

 

 Đoàn giám sát ghi nhận, Điện Biên đã xác định, lựa chọn đúng các địa bàn, đối tượng cần được hỗ trợ; việc xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện phù hợp với các nội dung đầu tư; quá trình thực hiện bước đầu đã huy động được sự đóng góp của nhân dân kết hợp với việc lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư làm cho Chương trình 135 phát huy rõ hiệu quả, làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa.

 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch HĐDT K’sor Phước cho rằng, tốc độ phát triển kinh tế trên địa bàn một số xã thuộc Chương trình 135 chưa vững chắc, chưa tạo ra được các sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng thu nhập cho người lao động. Công tác quy hoạch để sắp xếp lại dân cư thực hiện chưa quyết liệt do tập quán sinh sống, sản xuất của người dân vẫn mang nặng tính du canh, du cư. Mặc dù đã được đào tạo nhưng năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ xã còn hạn chế, số xã được giao làm chủ đầu tư ít, việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của chương trình chưa bảo đảm tiến độ theo lộ trình mà tỉnh đề ra.

 

Chủ tịch K’sor Phước đề nghị Điện Biên phát huy vai trò tự chủ của nhân dân trong công tác quản lý, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng các hạng mục công trình. Xác định đúng và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương để nâng cao hiệu quả xóa đói, giảm nghèo.

Hải Vân

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác