Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

10/04/2017

Tiếp tục chương trình giám sát tại địa phương, chiều 10/4, Đoàn giám sát của Quốc hội, do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Đoàn Thường trực, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định dẫn đầu đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016.

Thay mặt UBND Tỉnh trình bày báo cáo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên cho biết, trong giai đoạn giám sát, Lâm Đồng đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng quy định, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính. So với thời điểm trước năm 2011, hiện số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đã giảm 5 đơn vị, chỉ còn 19 đơn vị; số cơ quan chuyên môn cấp huyện giảm từ 168 phòng, ban xuống còn 155 phòng, ban. Từ năm 2011 đến nay số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện được giữ nguyên, gồm 19 đơn vị cấp tỉnh và 155 cơ quan cấp huyện). Với sự quyết liệt trong rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp, nên dù phải thành lập mới thêm 38 đơn vị, nhưng tổng số đơn vị sự nghiệp công lập trên toàn tỉnh đến năm 2016 vẫn giảm 22 đơn vị so với năm 2011. Từ năm 2015- 2016, Lâm Đồng đã tinh giản biên chế với 130 người, trong đó có nhiều cá nhân thuộc diện năng lực chưa đáp ứng yêu cầu công việc.

Báo cáo của Lâm Đồng cũng thẳng thắn chỉ rõ, một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, huyện được tổ chức theo nguyên tắc đa ngành, đa lĩnh vực nên trong quá trình tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ còn lúng túng, chưa bao quát đầy đủ các lĩnh vực quản lý dẫn đến hiệu quả quản lý nhà nước còn hạn chế. Mô hình đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chi cục thuộc Sở, với tư cách pháp nhân đầy đủ, đã làm phát sinh nhiều tầng nấc trung gian, khó điều hành, giảm hiệu quả công việc. “Văn bản hướng dẫn của bộ, ngành về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện có nhiều điểm khác nhau, hoặc chồng chéo, gây khó khăn, lúng túng cho địa phương triển khai thực hiện”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yên cho biết.

Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại buổi làm việc            Ảnh: P. Thủy

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát của Quốc hội ghi nhận việc UBND tỉnh Lâm Đồng đã triển khai thực hiện bài bản, ban hành kịp thời, với số lượng lớn các văn bản để thể chế hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về cải cách tổ chức bộ máy hành chính. Báo cáo của UBND tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra những kết quả, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong thực hiện sắp xếp, cải cách tổ chức bộ máy hành chính ở địa phương. Một số ý kiến đề nghị, Lâm Đồng cần báo cáo thêm về việc thực hiện rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tỉnh, huyện, xã theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó, nêu rõ những chức năng, nhiệm vụ nào được giao thêm; chức năng, nhiệm vụ nào được điều chỉnh hoặc chuyển cho cấp dưới; tác động của thay đổi về chức năng, nhiệm vụ đến tổ chức bộ máy hành chính địa phương. UBND tỉnh cũng cần chủ động rà soát, xây dựng đề án phân cấp cho sở, ngành, cấp huyện, cấp xã..., kịp thời phúc đáp đòi hỏi thực tế về quản lý trên địa bàn.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, trong giai đoạn giám sát, Lâm Đồng đã cơ bản thực hiện đúng chỉ đạo của Trung ương, có bước sắp xếp hiệu quả về tổ chức bộ máy hành chính, số lượng biên chế của các cấp tỉnh, huyện, xã, thậm chí cả với chức danh không chuyên trách cấp xã. Lâm Đồng cũng thực hiện đổi mới phương thức làm việc, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông... giúp nâng tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,42%, mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Ghi nhận các sáng kiến của Lâm Đồng trong tổ chức bộ máy hành chính, nhất là việc không vội tách các trung tâm y tế, nông nghiệp khi không thấy phù hợp với điều kiện địa phương, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho rằng, những sáng kiến từ cơ sở mang lại lợi ích cho dân, phát huy vai trò cán bộ, công chức địa phương, chắc chắn sẽ được Trung ương ủng hộ. Đồng thời khẳng định, trước những khó khăn, vướng mắc mà địa phương phản ánh sẽ được Đoàn tập hợp, báo cáo đầy đủ với Quốc hội, thúc đẩy Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sớm sửa đổi văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Theo ĐBND

Các bài viết khác