Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Khắc Định phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội Ảnh: P. Thủy
Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, trên cơ sở các văn bản của Trung ương, Thành ủy, UBND Thành phố đã phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp giai đoạn 2012- 2020”, trong đó đưa ra các giải pháp nhằm kiện toàn tổ chức, tạo sự đồng bộ trong quản lý, điều hành của UBND các cấp, cơ quan chuyên môn trực thuộc. Hà Nội cũng quyết liệt đẩy mạnh thực hiện phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, để giảm tải công việc cho cấp Thành phố (TP), mở rộng quyền hạn của cơ sở, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Thường xuyên rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, mà vẫn đúng quy trình pháp luật. Qua rà soát, sắp xếp, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, số lượng phòng chuyên môn, văn phòng, thanh tra trên địa bàn TP hiện đã giảm 27,5%, số đơn vị sự nghiệp công lập cũng giảm 29,8% so với năm 2011.
Tuy nhiên, theo đại diện UBND TP. Hà Nội, số lượng cơ quan chuyên môn thuộc TP và số lượng Chi cục trực thuộc Sở đều không thay đổi. Qua rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hà Nội Trần Huy Sáng cho biết, một số chức năng, nhiệm vụ còn có sự giao thoa, chưa hoàn toàn thống nhất, cần sự phối hợp giữa các cơ quan. Riêng nhiệm vụ quản lý công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị, Hà Nội nhận thấy không nên giao Sở Xây dựng thực hiện (theo Thông tư liên tịch của Bộ Nội vụ và Bộ Xây dựng), mà cần tiếp tục giao cho Sở Thông tin và Truyền thông.
Cũng theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, các cơ quan, đơn vị thuộc TP đã cơ bản xây dựng xong Đề án tinh giản biên chế theo kế hoạch của UBND TP. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở các cấp đều xác định bằng các biện pháp khác nhau sẽ giảm 10% số biên chế đến năm 2021, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Hà Nội hiện đã tiến hành 5 đợt tinh giản biên chế, với 297 trường hợp. Để đẩy mạnh tinh giản biên chế, ngoài việc sắp xếp tổ chức bộ máy, chuyển đổi sang doanh nghiệp, công ty cổ phần, xã hội hóa..., UBND TP đang nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù của TP để khuyến khích tự nguyện tinh giản biên chế. Nhưng theo báo cáo của UBND TP, các trường hợp tinh giản biên chế theo Nghị định 108 của Chính phủ còn chặt chẽ, mà tiêu chí theo Đề án vị trí việc làm lại đang trong quá trình xây dựng, nên chưa khuyến khích đối tượng tự nguyện nghỉ.
Đánh giá cao sự chủ động của TP. Hà Nội trong thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính trên địa bàn, song Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện báo cáo, làm rõ những sáng kiến, điểm nhấn của địa phương. Một số ý kiến đề nghị, cần phân tích rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nhất là chỉ rõ văn bản nào còn bất cập, hay sự mâu thuẫn giữa các văn bản đang ảnh hưởng đến việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính ở TP. Cũng có ý kiến lưu ý, Hà Nội cần thực hiện phân cấp, ủy quyền gắn với năng lực, điều kiện thực hiện của cơ sở. Bởi nếu không gắn chặt giữa phân cấp, ủy quyền với điều kiện thực hiện, sẽ không khác gì “xuống nước trước, biết bơi sau”.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá, Hà Nội đã đạt kết quả tốt trong thực hiện chủ trương cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, khi mà đã giảm nhiều số lượng phòng, đơn vị sự nghiệp công lập. Công tác tinh giản biên chế được thực hiện bài bản, khoa học, theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Với các làm này, việc tinh giản biên chế ở Hà Nội đã đạt được kết quả ấn tượng, cán bộ được giữ lại đều đã khẳng định được năng lực lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, Phó Trưởng Đoàn Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị không quy định phải giảm 10% số biên chế đồng đều, nên các cấp chính quyền cần chủ động rà soát nhu cầu công việc, kết quả tinh giản biên chế trong giai đoạn trước, để xác định tỷ lệ giảm biên chế phù hợp với từng đơn vị. UBND TP cũng cần cần báo cáo cụ thể về những khó khăn, vướng mắc do văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo cụ thể của các bộ, ngành.
Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Khắc Định phát biểu tại buổi làm việc với huyện Đông Anh
Chiều cùng ngày, phát biểu tại buổi làm việc với huyện Đông Anh, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao hiệu quả làm việc của bộ máy hành chính huyện Đông Anh, khi khối lượng công việc tăng lớn, mà số đơn vị chuyên môn, biên chế không tăng. Phó trưởng Đoàn cũng lưu ý, trong khi số biên chế, phòng, ban ở các cơ quan thuộc UBND TP đã giảm mạnh, thì ở huyện Đông Anh không có thay đổi nhiều trong giai đoạn vừa qua. Vì vậy, Đông Anh cần chủ động thành lập những phòng “mềm” thuộc UBND huyện, dựa trên nhu cầu công việc thực tế và tình hình địa phương, không nên áp dụng rập khuôn quy định của bộ, ngành trong khi huyện không có nhu cầu.
Ghi nhận các kiến nghị của huyện, xã tại buổi làm việc, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị, Đông Anh cần lưu ý về tổ chức lực lượng y tế thôn, xóm. Bởi chức danh này ở các địa bàn miền núi có vai trò quan trọng, song ở các địa bàn đồng bằng lại không có nhiều việc, chủ yếu đi nhắc nhở các gia đình thực hiện công việc của cộng đồng. Lưu ý về đặc điểm là địa bàn dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh của huyện. Đông Anh cần chủ động rà soát đòi hỏi thực tiễn, để kịp thời kiến nghị UBND TP mở thêm trường mầm non, tiểu học..., nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.