Ủy ban Tư pháp tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 4 thẩm tra Dự thảo Luật áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện

29/03/2017

Ngày 29/3, tại Nhà quốc hội, Ủy ban Tư pháp tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 4 thẩm tra Dự thảo luật áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu khai mạc phiên họp 

Tham dự phiên họp còn có đại diện Tòa án Nhân dân tối cao- cơ quan trình dự thảo Luât, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ khoa học công nghệ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, cùng các đơn vị, cơ quan hữu quan.

Trình bày tờ trình dự thảo Luật, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn nêu rõ, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là một trong những phương thức hữu hiệu để bảo toàn tài sản, bảo vệ chứng cứ, giảm thiểu những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra; góp phần giải quyết hiệu quả các tranh chấp, xung đột giữa các bên trong các giao dịch dân sự; bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành mới chỉ quy định việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời từ khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện cho tòa án mà chưa quy định việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện.

Trong quá trình xây dựng Bộ luật dân sự 2015, nhiều đại biểu Quốc hội, các thành viên Ban soạn thảo đã đặt ra vấn đề quy định các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện trong dự án luật này. Đa số các ý kiến đều đồng tình nhưng cho rằng loại việc này không thuộc quy trình tố tụng dân sự nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật tố tụng dân sự mà cần được quy định trong một đạo luật riêng.

Tờ trình cũng cho biết, dự thảo Luật được bố cục gồm 03 chương, 37 điều, quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện; thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện. Luật này được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện.

Theo tờ trình, các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện gồm: Kê biên tài sản; cấm chuyển dịch quyền về tài sản; cấm thay đổi hiện trạng tài sản; cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác; phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ; phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ; tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu; thu giữ, niêm phong cấm di chuyển hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó; cấm hoặc buộc thực hiện một hành vi nhất định liên quan đến việc ngăn chặn chuyển giao hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trình bày báo cáo nghiên cứu bước đầu về dự án Luật, đại diện Nhóm nghiên cứu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cho rằng hồ sơ dự án luật được chuẩn bị khá công phu, đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều ý kiến của các cơ quan hữu quan. Tuy nhiên, về sự cần thiết ban hành luật, ban soạn thảo còn nêu khá chung chung, thiếu tình hình thực tiễn, chưa nêu bật được sự cần thiết của việc ban hành dự thảo luật. Đây là một dự án luật quan trọng, liên quan đến quyền và lợi ích của cá nhân, tập thể nhưng tờ trình cũng chưa làm rõ được rằng hậu quả của việc chậm ban hành hoặc không ban hành luật thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức cũng như việc tuân thủ các cam kết quốc tế của Việt Nam. Do đó, Nhóm nghiên cứu đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ hơn về sự cần thiết ban hành Luật này.

Về tên gọi của Dự thảo luật, tờ trình nêu ra hai loại ý kiến, loại ý kiến thứ nhất đề nghị, tên gọi của Luật là “Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện” như đã được Quốc hội giao cho Tòa án nhân dân tối cao chủ trì xây dựng, vì tên gọi này phản ánh được nội dung của Luật và thể hiện được sự khác nhau giữa việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Luật này và Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Dự thảo Luật được thể hiện theo loại ý kiến này. Loại ý kiến thứ hai đề nghị, tên gọi của Luật là “Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn với việc khởi kiện” để làm rõ và bao quát hết nội dung của Luật.

Nhóm nghiên cứu tán thành với tên gọi của Luật là “Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện” theo như tên gọi đã được Quốc hội xác định tại Nghị quyết số 22/2016/QH14 ngày 29/7/2016 của Quốc hội về điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2016 và chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2017 và thấy rằng, tên gọi này thể hiện rõ sự phân biệt trường hợp áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án hoặc trường hợp áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời cùng với việc nộp đơn khởi kiện với trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện tại Tòa án.

Về Tóa án có thẩm quyền quyết định các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, Tờ trình đã nêu ra hai loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng việc xác định tòa án có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện phải căn cứ vào từng biện pháp cụ thể để đảm bảo tính hợp lý, khả thi và hiệu quả. Trường hợp xác định được nơi có tài sản bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện thì tòa án có thẩm quyền quyết định áp dụng là tòa án cấp huyện nơi có tài sản; trường hợp tài sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì tòa án có thẩm quyền là tòa án cấp huyện một trong những nơi có tài sản đó; đối với các trường hợp khác thì tòa án có thẩm quyền là tòa án cấp huyện nơi cư trú của người yêu cầu.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần xác định tòa án có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện là tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Xác định thẩm quyền theo hướng này sẽ thuận lợi cho Tòa án trong việc giải quyết vụ án cũng như việc xem xét thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời khi người yêu cầu khởi kiện ra Tòa.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện để giải quyết nhu cầu cấp bách của người yêu cầu, bảo toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản hoặc bảo vệ chứng cứ để bảo đảm việc giải quyết vụ án sau này. Trong giai đoạn này, tòa án chưa giải quyết về nội dung tranh chấp. Do đó, tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện là tòa án nơi có tài sản bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện là hợp lý. Vì vậy, Nhóm nghiên cứu tán thành với loại ý kiến thứ nhất.

Tại buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Tư pháp cũng cho ý kiến vào các nội dung về các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, thời hạn áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp và quyết định hủy bỏ áp dụng các biện pháp...

Ngoài ra, các thành viên Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị ban soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng từng câu chữ, hoàn thiện kỹ thuật luật pháp theo yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2017.

Hồ Hương

Các bài viết khác