Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Quang phát biểu tại buổi làm việc
Giai đoạn 2011 -2016, Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện 2 dự án BOT trên Quốc lộ 1 thuộc địa bàn Quảng Bình gồm: Dự án tuyến tránh lũ Nam Quán Hàu (nhà đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh) và dự án xây dựng nâng cấp Quốc lộ 1 (nhà đầu tư là Công ty CP Tasco). Lãnh đạo UBND tỉnh khẳng định: các công trình đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho mạng lưới giao thông vận tải của tỉnh, nâng cao khả năng chống ngập về mùa mưa lũ và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, quá trình thi công 2 dự án BOT đã làm nhiều tuyến đường của địa phương xuống cấp nghiêm trọng. Đoạn tránh lũ Nam Quán Hàu vẫn có một số điểm bị ngập trong mùa mưa lũ năm 2016. Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Ngân, do các trạm thu phí đặt tại vị trí dẫn vào trung tâm hành chính huyện Quảng Ninh và Quảng Trạch nên người dân đi làm hàng ngày thường xuyên phải qua trạm; nhiều trường hợp không đi qua đường BOT hoặc chỉ đi một đoạn ngắn nhưng vẫn phải mua vé với mức phí cao, gây bức xúc trong nhân dân. Vì vậy, UBND tỉnh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và các nhà đầu tư có phương án miễn giảm phí cho người dân huyện Quảng Ninh khi qua trạm thu phí Quán Hàu và người dân huyện Quảng Trạch khi qua trạm thu phí Tasco nhằm bảo đảm công bằng cho nhân dân địa phương.
Các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận nỗ lực của Quảng Bình trong việc phối hợp với các bộ, ngành và ủng hộ nhà đầu tư thực hiện các dự án BOT; bày tỏ ấn tượng về Trạm thu phí không dừng Tasco Quảng Bình và đánh giá cao hiệu quả của dịch vụ thu phí tự động; đồng thời đề nghị Bộ Giao thông- Vận tải, các bộ ngành liên quan tiếp thu kiến nghị của nhà đầu tư và địa phương, sớm có phương án giải quyết.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó trưởng đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Quang khẳng định hình thức đầu tư BOT là cần thiết với đất nước trong giai đoạn hiện nay và các dự án BOT trên địa bàn Quảng Bình đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển. Tuy vậy, các công trình BOT vẫn còn một số hạn chế như: một bộ phận người dân không đi đường BOT vẫn phải trả tiền, mức thu phí cao; các nhà đầu tư phản ánh hiệu quả tài chính không cao, có rủi ro tài chính; thiết kế tuyến còn những điểm chưa hợp lý; quá trình thi công ảnh hưởng đến chất lượng các tuyến đường của địa phương… Khẳng định “khi đầu tư dự án, người dân trong vùng phải được hưởng lợi”, Phó trưởng đoàn giám sát đề nghị chủ đầu tư chủ động xử lý một số bất cập thuộc trách nhiệm của mình, nếu không di dời trạm thu phí thì phải có giải pháp hợp lý cho người dân. Bộ Giao thông- Vận tải với vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm đôn đốc chủ đầu tư sớm giải quyết sớm các vấn đề còn tồn tại.
Bên cạnh đó, Phó trưởng đoàn giám sát Nguyễn Hữu Quang cũng ghi nhận hiệu quả của việc thu phí không dừng và đề nghị nhân rộng áp dụng mô hình này tại các trạm thu phí BOT trên cả nước.
Trước đó, ngày 23/3, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế 2 tuyến đường BOT trên địa bàn Quảng Bình và khảo sát tại trạm thu phí Tasco Quảng Bình – đơn vị đầu tiên trên cả nước áp dụng hình thức thu phí tự động.