(VOV) - Chiều nay (19/1), tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết hoạt động và tuyên bố bế mạc phiên họp lần thứ 27 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Trước đó, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, các Phó Chủ tịch Quốc hội: Huỳnh Ngọc Sơn, Nguyễn Đức Kiên, Uông Chu Lưu và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp thứ 27, tập trung thảo luận một số vấn đề lớn của hai Dự án Luật Bưu chính và Luật Người khuyết tật.
Liên quan đến dự án Luật Bưu chính, 4 vấn đề được đưa ra để các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến là: dịch vụ bưu chính công ích; việc kiểm tra, xử lý bưu gửi có dấu hiệu vi phạm pháp luật; vấn đề giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại; cơ sở phục vụ bưu chính cấp xã.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều tán thành với Báo cáo xin ý kiến tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật của Ban soạn thảo. Theo đó, dự thảo Luật Bưu chính sau khi chỉnh sửa gồm 10 chương, 49 điều, tăng 3 điều so với dự thảo luật cũ.
Theo nhiều đại biểu, dự thảo Luật quy định giao cho Thủ tướng Chính phủ chỉ định một doanh nghiệp nhà nước làm nhiệm vụ bưu chính công ích và được hưởng một số chính sách đặc thù là phù hợp với thực tế của Việt Nam cũng như phù hợp với kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.
Trong 7 vấn đề liên quan đến Dự thảo Luật Người khuyết tật đưa ra thảo luận chiều nay, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung làm rõ: các quy định phân dạng, phân hạng, cấp Giấy chứng nhận khuyết tật; sử dụng lao động là người khuyết tật trong các doanh nghiệp; việc đảm bảo cho người nguyết tật tiếp cận nhà ở, công trình và phương tiện giao thông công cộng.
Cũng trong chiều nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã kết luận và tuyên bố bế mạc phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; yêu cầu các cơ quan của Quốc hội; các cơ quan soạn thảo Luật tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý những nội dung đã được góp ý để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Xung quanh 6 dự thảo luật Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến, ở mức độ khác nhau, có luật được xây dựng tốt, có luật chưa tốt; có luật đạt yêu cầu cao, có luật còn phải chỉnh sửa, bổ sung thêm. Đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra, sau phiên họp này, cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện luật để trình Quốc hội tại kỳ họp tới, đặc biệt đối với những luật Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến yêu cầu phải cụ thể hóa thêm, đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật”./.