Thông cáo phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV

22/12/2016

Từ ngày 19 đến ngày 22 tháng 12 năm 2016, Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp phiên thứ 5 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và điều hành của các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội. Tham dự phiên họp có đại diện lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, đánh giá kết quả kỳ họp thứ 2 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Từ thực tế diễn biến kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, của cử tri tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội và dư luận chung, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và nhất trí cho rằng: Sau hơn một tháng làm việc với tinh thần dân chủ, nghiêm túc và trách nhiệm, kỳ họp thứ 2 đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành khối lượng công việc lớn trong chương trình nghị sự, bao gồm công tác lập pháp, thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát tối cao. Đây cũng là kỳ họp tạo dấu ấn mạnh mẽ với cử tri bởi tính tranh luận, góp phần giúp các phiên họp sôi nổi và tập trung hơn. Kết quả kỳ họp đã thể hiện sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng đoàn Quốc hội và sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị; sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, tinh thần làm việc tận tụy, khẩn trương của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan; sự tham gia tích cực, chủ động, đóng góp ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội, đặc biệt là sự bắt nhịp nhanh, hăng hái, thẳng thắn của đại biểu Quốc hội mới tham gia Quốc hội lần đầu trong các hoạt động của Quốc hội; sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự theo dõi, giám sát và chia sẻ của cử tri, nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế; sự tham gia, đưa tin kịp thời, chính xác của các cơ quan thông tấn, báo chí.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự kiến nội dung, thời gian tổ chức kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan của Quốc hội chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đúng quy trình thủ tục theo luật định.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Tổng thư ký Quốc hội tiếp thu ý kiến tại phiên họp để hoàn chỉnh dự thảo báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 2, gửi các vị đại biểu Quốc hội, tiếp tục hoàn chỉnh dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3, gửi xin ý kiến cơ quan hữu quan. Đồng thời, đề nghị thực hiện nghiêm túc Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tăng thời gian cho nội dung chất vấn, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội giữa 2 kỳ họp bảo đảm tuyên truyền một cách toàn diện, hài hòa các hoạt động của Quốc hội tới cử tri và nhân dân cả nước.  

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 3 dự thảo nghị quyết  của Ủy ban thường vụ Quốc hội về: ban hành Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức; ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội; quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước (thay thế Nghị quyết số 1139/2007/UBTVQH11).

Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành các nghị quyết nêu trên để cụ thể hóa các quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, bảo đảm sự chuẩn mực, thống nhất về thể thức và kỹ thuật của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra 3 dự thảo nghị quyết nêu trên tiếp tục rà soát, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để chỉnh lý các văn bản, đồng thời, hoàn thiện hồ sơ bảo đảm đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp sau.

3. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 1052/NQ-UBTVQH13 ngày 24-10-2015 về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng của Chính phủ trong việc triển khai tích cực, đúng định hướng và bám sát các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế theo đúng tinh thần Nghị quyết số 1052/NQ-UBTVQH13. Sau gần 01 năm thực hiện, công tác hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức thực hiện của các bộ, ngành vẫn còn một số hạn chế, yếu kém cần làm rõ nguyên nhân và khắc phục. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp, tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt các giải pháp nhằm đẩy nhanh hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

4. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc bố trí vốn đầu tư cho các dự án của Kiểm toán nhà nước giai đoạn 2017-2020 và các Đề án của Kiểm toán nhà nước, gồm: tổ chức, biên chế của Kiểm toán nhà nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; vị trí việc làm của Kiểm toán nhà nước; tổ chức Đại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14) năm 2018.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết, mục tiêu, yêu cầu, quan điểm xây dựng các Đề án của Kiểm toán nhà nước nhằm khắc phục những quy định không còn phù hợp với thực tiễn, đồng thời, bảo đảm tổ chức bộ máy kiểm toán tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, trong sạch, vững mạnh, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, chống tham nhũng, lãng phí, lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, đề nghị Kiểm toán nhà nước chỉnh lý, hoàn thiện các Đề án nêu trên, trong đó báo cáo Bộ Chính trị về Đề án tổ chức, biên chế của Kiểm toán nhà nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị tốt về mọi mặt để tổ chức Đại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14) năm 2018.

5. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho Thành phố Hà Nội.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng các quy định về cơ chế tài chính – ngân sách trong dự thảo Nghị định chưa thể hiện rõ cơ chế đặc thù, đề nghị Chính phủ, theo thẩm quyền, cần xác định rõ về phạm vi, nội dung cơ chế có tính đột phá mạnh mẽ hơn, nhất là các vấn đề về phân cấp, phân quyền quyết định cho Thủ đô Hà Nội. Do đó, khi ban hành Nghị định nêu trên, Chính phủ cần phải bám sát Điều 74 Luật ngân sách nhà nước và Điều 21 Luật Thủ đô để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đúng thẩm quyền nhằm tạo động lực phát triển Thủ đô Hà Nội, khắc phục những tồn tại của quy định hiện hành.

6. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua  5 Nghị quyết về: ban hành Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (thay thế Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11); việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016; mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư xây dựng các dự án cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài của Bộ ngoại giao; chế độ tiền lương, phụ cấp, trang phục và chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức của Kiểm toán nhà nước.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội năm 2017./.

Văn phòng Quốc hội

Các bài viết khác