Ông Watanabe Yutaka,Vụ tổng hợp,Văn phòng Hạ viện phát biểu tại Hội thảo Ảnh: Đình Nam
Trong phiên làm việc thứ nhất, các đại biểu tham dự Tọa đàm tập trung chia sẻ kinh nghiệm tổ chức hoạt động Thông tin công chúng tại Nghị viện Nhật Bản. Trình bày khái quát về hoạt động thông tin công chúng của Quốc hội Nhật Bản, ông Miyazawa, Phòng Thông tin công chúng, Vụ Tổng hợp, Văn phòng Hạ viện Nhật Bản cho biết: Quá trình phát triển của Phòng Thông tin công chúng tại Hạ viện Nhật Bản trải qua nhiều giai đoạn. Đến ngày 1/4/2005 mới tái cơ cấu “Phòng thông tin phát sóng” thành “Phòng Thông tin công chúng”, với nhiệm vụ hoạt động quảng bá và thông tin công chúng mới được thêm vào.
Phòng Thông tin Công chúng tại Văn phòng Hạ viện Nhật Bản có nhiều nhiệm vụ cụ thể. Về quảng bá, Phòng tổ chức thực hiện nội dung triển lãm, trình chiếu ở Sảnh dành cho khách tham quan. Là việc cung cấp các thông tin về Quốc hội thông qua các hình thức sáng tạo như câu đố về Quốc hội (thực hiện trên máy tính) hay triển lãm trình chiếu bằng các pa-nô trong Sảnh dành cho khách tham quan trong thời gian xếp hàng hoặc nghỉ giao lao.
Tại Góc tra cứu thông tin Quốc hội, người dân có thể sử dụng 5 máy vi tính với thao tác đơn giản để xem các nội dung riêng của Hạ nghị viện và các trang web liên quan đến Quốc hội, đồng thời cũng cung cấp các hình ảnh truyền hình trực tiếp cũng như các video về thảo luận Quốc hội của Hạ nghị viện. Trên các bức tường của sảnh Nhà Quốc hội có đặt các pano giới thiệu, giải thích các thông tin về Quốc hội bằng ảnh, sơ đồ và chữ…, bắt đầu bằng ảnh chân dung Chủ tịch và Phó Chủ tịch nghị viện.
Phòng Thông tin công chúng quản lý góc giới thiệu ấn phẩm của Hạ nghị viện, trưng bày và giới thiệu các ấn phẩm như: Dự thảo luật, đề án…; Biên bản phiên họp toàn thể Hạ viện và các phiên họp ủy ban của Hạ viện; “Hoạt động của Hạ viện” (Tài liệu tóm lược hoạt động trong 1 năm của Quốc hội chia theo từng kỳ họp, gồm các thông tin như tình hình thẩm tra các dự thảo luật …).
Quản lý trang chủ của Hạ nghị viện: Cung cấp các thông tin về nghị sĩ, phiên họp toàn thể, các phiên họp ủy ban, các thông tin lập pháp như biên bản họp, các dự thảo, biên bản câu hỏi và câu trả lời chất vấn, các thủ tục để dự thính các phiên họp và tham quan Quốc hội... trên website của Hạ nghị viện bằng cả tiếng Nhật và tiếng Anh.
Về thông tin công chúng, Phòng Thông tin công chúng tại Hạ viện Nhật bản giải đáp các thắc mắc, tiếp nhận ý kiến từ phía người dân và các cơ quan báo chí về Hạ nghị viện (cơ cấu tổ chức, các phiên họp toàn thể, họp Ủy ban, thông tin cơ bản về các dự thảo, các thủ tục…); các thắc mắc sẽ được trả lời dựa trên các thông tin cơ bản. Những thắc mắc đòi hỏi kiến thức chuyên môn sẽ được trả lời sau khi hỏi lại các phòng ban liên quan, hoặc nhờ các phòng ban đó trả lời.
Đồng thời, Phòng Thông tin công chúng thực hiện phát sóng toàn bộ các phiên họp (họp toàn thể và họp ủy ban) qua mạng truyền hình có dây đến các cơ quan trong Quốc hội, các cơ quan chính phủ và văn phòng các đảng, song song với cung cấp hình ảnh phát sóng cho các đài truyền trình, các cơ quan truyền thông có yêu cầu; Cung cấp thông tin đến các đối tượng trong và ngoài nước bằng cách phát sóng chương trình các phiên họp theo hai hình thức là phát sóng trực tiếp và VOD (video on command) trên một trang được mở để dành riêng cho hoạt động phát sóng chương trình họp.
Ông Kawanishi Hiiroyuki- Trợ lý Vụ trưởng, Vụ phát triển sản xuất và chính sách công JICA phát biểu tại Hội thảo
Sau khi nghe trình bày khái quát về hoạt động thông tin công chúng của Quốc hội Nhật Bản, các đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều ý kiến trao đổi thảo luận xung quanh vấn đề này. Các đại biểu đã yêu cầu chuyên gia Nhật Bản chia sẻ thêm kinh nghiệm về hoạt động tham quan quảng bá hình ảnh Nhà Quốc hội; chia sẻ nhiều kinh nghiệm để góp phần hình thành kế hoạch truyền thông về thông tin công chúng của Quốc hội tại Việt Nam.
Tại phiên làm việc này, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Nguyễn Thị Mai Phương đã có bài tham luận về lý luận và thực tiễn hoạt động thông tin công chúng của Quốc hội Việt Nam. Hoạt động thông tin công chúng của Quốc hội Việt Nam hiện nay đang do nhiều đơn vị trong Văn phòng Quốc hội thực hiện, cụ thể là: Vụ thông tin: chịu trách nhiệm về triển khai hoạt động thông tin công chúng nói chung theo Quyết định số 401/QĐ-VPQH của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Hiện tại, Vụ có các phòng trực tiếp triển khai các công việc về thông tin công chúng là: Phòng Báo chí và Phát thanh- Truyền hình; Phòng Lịch sử - Bảo tàng; Phòng Giáo dục- Tuyên truyền; Cổng thông tin điện tử Quốc hội. Các phòng này có nhiệm vụ triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền về Quốc hội, quản lý các hoạt động báo chí, tổ chức các hoạt động tham quan, giáo dục, triển lãm về Quốc hội; xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội; quản trị Cổng thông tin và một số trang web như “Hỏi- Đáp: Kết nối cử tri với ĐBQH”…
Vụ tổng hợp: xuất bản một số ấn phẩm thông tin như Bản tin hoạt động của Quốc hội, Kỷ yếu phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Các đơn vị khác như Báo đại biểu nhân dân, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp xuất bản các ấn phẩm báo chí đăng tải thông tin về hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội phát hành rộng rãi đến các địa phương và công chúng.
Các Ủy ban của Quốc hội có trang web riêng hoặc sách mỏng/tờ rơi đăng tải thông tin về hoạt động của Ủy ban như: Ủy ban kinh tế, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng…
Hoạt động thông tin công chúng của Quốc hội Việt Nam hiện nay chưa có một kế hoạch hành động hay chiến lược cụ thể nên giữa các bộ phận này chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động thông tin công chúng theo một định hướng chiến lược chung. Đội ngũ nhân lực làm công tác thông tin công chúng ở các đơn vị này còn yếu và mỏng. Hầu như không có cán bộ được đào tạo bài bản về truyền thông và quan hệ công chúng.
Các chuyên gia đến từ Nhật Bản đã trao đổi kinh nghiệm để tăng cường hoạt động thông tin công chúng Việt Nam, trong đó có nhiều giải pháp liên quan đến bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực; đầu tư thêm nguồn kinh phí để hoàn thiện và nâng cao hệ thống thông tin công chúng của Quốc hội trong thời gian tới. Đồng thời, đưa ra ý kiến đóng góp để có thể xây dựng một kế hoạch hành động hay một chiến lược truyền thông tổng thể cho hoạt động thông tin công chúng của Quốc hội Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.