Việt Nam tham gia tích cực, đóng góp vào thành công của APA- 9

03/12/2016

Tối 1/12, sau 3 ngày làm việc tích cực và khẩn trương, tại thành phố cổ Siem Reap, Campuchia, Phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Hội đồng Nghị viện châu Á (APA- 9) đã tiến hành phiên bế mạc, thông qua Tuyên bố Siem Reap, cùng 19 nghị quyết về các vấn đề chính trị, kinh tế, phát triển bền vững, văn hóa xã hội và công bố Chủ tịch APA mới.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng dẫn đầu tại Phiên bế mạc

Với chủ đề “Thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững ở châu Á," APA-9 đã thu hút được sự quan tâm, tham dự của 23 Nghị viện thành viên, quan sát viên và các tổ chức quốc tế đối tác của APA. Tuyên bố Siem Reap nêu rõ APA đánh giá châu Á, vùng đất của những nền văn minh lâu đời với sự đa dạng về văn hóa, lịch sử và tôn giáo, đang tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, APA cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vấn đề nghiêm trọng như chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa bạo lực cực đoan đang gây bất ổn, phương hại tới an ninh, hòa bình - nền tảng của sự phát triển bền vững trong khu vực và trên thế giới.

Hội nghị cũng kêu gọi các nước tích cực phối hợp ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết nêu trong Thỏa thuận Paris của Hội nghị COP-21 năm 2015. Tuyên bố cũng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của các mục tiêu phát triển bền vững; đề nghị các quốc gia hợp tác trong việc triển khai Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, đặc biệt là các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Hội nghị cảm ơn sự tiếp đón chu đáo và trọng thị của Quốc hội nước chủ nhà Campuchia với tư cách là Chủ tịch APA và hoan nghênh Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch APA mới, đăng cai tổ chức Hội nghị toàn thể APA-10 và APA-11 trong năm 2018 và 2019.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham gia tích cực, đóng góp vào thành công của hội nghị, thể hiện qua bài phát biểu sâu sắc, toàn diện của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tại phiên họp toàn thể và các tham luận của các thành viên trong Đoàn tại các phiên họp của Ủy ban Thường trực của APA về các vấn đề chính trị, kinh tế và phát triển bền vững, văn hóa-xã hội. APA được thành lập năm 2006 với tiền thân là Hiệp hội Nghị viện châu Á vì Hòa bình (AAPP) được thành lập năm 1999. APA được thành lập với 42 thành viên nhằm mục đích thúc đẩy hòa bình và hội nhập tại khu vực châu Á thông qua cơ chế nghị viện.

Bên lề Phiên bế mạc APA-9, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã có cuộc hội kiến với đoàn nghị sỹ Quốc hội Iran. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đã tiếp và trao đổi với Trưởng Đoàn Nghị sĩ Quốc hội Iran Syydehfatemeh Zolghadr về những vấn đề hai bên cùng quan tâm. Hai bên đánh giá cao quan hệ hữu nghị Việt Nam-Iran thời gian qua; khẳng định Quốc hội hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy, tăng cường quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của mỗi bên.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đã chuyển lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mời Chủ tịch Quốc hội Iran sớm thăm chính thức Việt Nam. Trưởng đoàn nghị sỹ Iran cho biết sẽ chuyển lời đến Chủ tịch Quốc hội Iran để sớm sắp xếp thăm chính thức Việt Nam trong thời phù hợp.

+ Trước đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng có cuộc hội kiến song phương với Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Pany Yathotu và Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Heng Samrin./.

Theo VN+

Các bài viết khác