Thông cáo số 21 kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV

17/11/2016

Ngày 17-11-2016, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ tọa phiên họp. Từ 8 giờ 00 đến 8 giờ 30 phút, Quốc hội tiếp tục nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn, đã có thêm 01 đại biểu đặt câu hỏi tranh luận đối với Bộ trưởng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trả lời chất vấn về các nội dung chủ yếu sau:

- Tình hình thực hiện tinh giản biên chế; thực hiện đề án vị trí việc làm;

- Công tác tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức; việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo;

- Giải pháp cải cách chế độ tiền lương, phụ cấp, phân cấp quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

- Giải pháp đảm bảo chất lượng cán bộ, công chức; nâng cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức công vụ.

- Trách nhiệm trong xử lý cán bộ vi phạm gây bức xúc trong dư luận thời gian vừa qua…

Kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu một số vấn đề đề nghị Bộ trưởng tập trung giải quyết, khắc phục.

Từ 8 giờ 30 phút đến 11 giờ 10 phút, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo giải trình một số vấn đề lớn mà đại biểu Quốc hội nêu lên và trực tiếp trả lời 30/36 câu hỏi chất vấn Thủ tướng.

Thủ tướng Chính phủ đã trả lời chất vấn về các nội dung chủ yếu sau:

- Các giải pháp thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh hiện nay;

- Quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ trong bối cảnh mới; các giải pháp để Việt Nam khai thác tốt hơn thị trường ASEAN và cải thiện môi trường đầu tư;

- Các giải pháp đột phá để giải quyết cơ bản tình trạng nợ xấu, thực hiện tái cấu trúc ngân hàng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp; khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo;

- Các giải pháp cụ thể để tăng cường gắn kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI; chính sách bảo hộ hợp lý để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển;

- Giải pháp phát triển bền vững vùng ven biển miền Trung, Tây Nguyên;

- Đánh giá về năng lực, phẩm chất của các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2020; quyết tâm của Chính phủ trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và chỉ đạo, điều hành để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tính hiệu quả trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;

- Cải cách thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật và nhận thức pháp luật của công chức, nhân dân để đưa pháp luật vào cuộc sống; giải pháp giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong chế độ tiền lương; cơ chế, chính sách đối với ngành giáo dục; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công; xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế, tiếp dân; đạo đức công vụ;

- Các giải pháp xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây nhũng nhiễu nhân dân; vấn đề xử lý vi phạm người đứng đầu; biện pháp khắc phục tình trạng các dự án thua lỗ lớn, thất thoát, lãng phí tài sản công; xử lý sai phạm trong xây dựng;

- Các giải pháp khả thi để giảm thiểu hậu quả của biến đổi khí hậu; tính hiệu lực, hiệu quả của chủ trương “đóng cửa rừng tự nhiên”, xử lý ô nhiễm môi trường; nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã được Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp và các phương tiện thông tin đại chúng khác đưa tin để cử tri và đồng bào cả nước cùng theo dõi.

Buổi chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên họp.

1. Quốc hội biểu quyết thông qua Luật đấu giá tài sản..

Quốc hội đã nghe:

- Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật đấu giá tài sản.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Điều 2, Điều 65 và toàn bộ Luật đấu giá tài sản.

2. Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư. Trong phiên thảo luận, đã có 17 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:

- Sự cần thiết ban hành Luật;

- Tính thống nhất, hợp lý của dự thảo Luật trong hệ thống pháp luật; việc bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật văn bản quy phạm pháp luật;

- Rà soát, xác định rõ nguyên tắc, đánh giá tác động của việc bãi bỏ và bổ sung các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;

- Việc bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;

- Việc sửa tên một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như: Kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ; kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô; kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy; kinh doanh dịch vụ xoa bóp…;

- Việc hợp nhất một số ngành, nghề như hợp nhất các ngành “Kinh doanh dịch vụ xét nghiệm HIV”; “Kinh doanh dịch vụ hỗ trợ sinh sản, lưu giữ tinh trùng, lưu giữ phôi”; “Kinh doanh dịch vụ xét nghiệm vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm”; “Kinh doanh dịch vụ tiêm chủng”; “Kinh doanh dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế”; “Kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ” vào ngành “Kinh doanh dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh”…;

- Việc bổ sung một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như: Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô; xăm hình…;

- Về thời điểm ban hành luật, thời điểm có hiệu lực của Luật.

Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, tiếp thu một số ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư.

Thứ sáu, ngày 18-11-2016, Quốc hội làm việc tại hội trường. Buổi sáng, Quốc hội thảo luận về dự án Luật đường sắt (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo và thảo luận về dự án Luật du lịch (sửa đổi).

(Văn phòng Quốc hội)