Theo báo cáo của Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, tính đến 31.12.2009, tổng mức dự trữ Nhà nước ước đạt khoảng 7.000 tỷ đồng. Trên cơ sở Pháp lệnh Dự trữ quốc gia, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hướng dẫn thi hành, từng bước hình thành hệ thống khung pháp lý quản lý dự trữ Nhà nước để tổ chức quản lý quỹ dự trữ Nhà nước . Năm 2010, chỉ tiêu kế hoạch dự trữ quốc gia là 800 tỷ đồng.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước kiến nghị QH quan tâm hơn đến hoạt động dự trữ Nhà nước, trước hết nâng dần và mở rộng quy mô dự trữ Nhà nước cả về vốn và lượng hàng; tạo điều kiện, hỗ trợ Tổng cục Dự trữ Nhà nước trong việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Pháp lệnh Dự trữ quốc gia để xây dựng Luật Dự trữ Nhà nước trình QH trong thời gian sớm nhất; phân bổ nguồn vốn để dự trữ Nhà nước tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; sớm thông qua cơ chế tài chính của Tổng cục Dự trữ Nhà nước để tạo nguồn, góp phần nhanh chóng xây dựng mới và hiện đại hóa hệ thống kho dự trữ Nhà nước…
Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đánh giá cao những nỗ lực và kết quả Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã đạt được trong năm 2009 và nhấn mạnh: để làm tốt nhiệm vụ tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, Tổng cục Dự trữ Nhà nước phải bảo đảm hai yêu cầu là: sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu của Nhà nước trong điều kiện bình thường cũng như những yêu cầu cấp bách; phải có nguồn lực dồi dào để hoạt động chủ động, linh hoạt, làm cho hoạt động dự trữ Nhà nước sôi động hơn, có sức sống hơn. Tổng cục Dự trữ Nhà nước không phải là một kho cố định mà giống như một cơ thể sống, có sự vận động để phát sinh lợi ích trên nguyên tắc luôn sẵn sàng đáp ứng khi Nhà nước cần và lợi ích sinh ra được phân phối hợp lý giữa Nhà nước và nhân dân.