Đại biểu Nguyễn Trường Giang chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ảnh: Đình Nam
Các đại biểu Quốc hội Lê Minh Chuẩn- tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Trường Giang- tỉnh Đắk Nông cho rằng, việc phân luồng học sinh, giáo dục sau đào tạo đã tạo ra tình trạng thừa thầy, thiếu thợ. Do đó, các đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới.
Giải trình trước Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, nguyên nhân quan trọng là nằm ngay từ chương trình chưa bám sát được nhu cầu của thị trường lao động, dẫn đến khi đào tạo ra không sát nên chất lượng lao động sau khi ra trường không bám sát chặt. Đặc biệt là trong các chương trình còn quá chú trọng đến kiến thức, những kỹ năng thực tế trải nghiệm chưa đươc chú trọng.
Bộ trưởng cho rằng, chất lượng giáo dục hiện nay nếu xét về kiến thức không phải quá thấp nhưng khi tốt nghiệp ra trường để có việc làm thì kỹ năng, hiểu biết cuộc sống thực tế cũng đòi hỏi cao, trong đó có ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Cũng là cử nhân nhưng tiếng Anh tốt thì xin việc và làm việc cho các cơ sở tốt. Bộ đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo điều chỉnh lại chương trình, nội dung theo hướng phải bám sát và chỉ đạo khi mở chương trình phải có ý kiến nhà tuyển dụng đầy đủ. Đây là vấn đề lớn, và sẽ tăng cường giám sát để nâng cao chất lượng, gắn với thị trường lao động.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh, phân luồng là một trong những vấn đề mà trong những năm gần đây ngành giáo dục rất cố gắng phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhưng kết quả cũng rất hạn chế. Bộ trưởng cho rằng, phân luồng được thể hiện ngay cả trong chương trình giáo dục. Ví dụ, học sinh học hết trung học cơ sở, nội dung các môn học, đặc biệt các môn học liên quan về xã hội, về công nghệ cần phải tăng lên. Đồng thời, chương trình phải gắn với thực tiễn; điều kiện giảng dạy cũng phải tương thích để tránh tình trạng dạy và học “qua loa hoặc cưỡi ngựa xem hoa”. Thực tế hiện nay, việc hướng nghiệp giáo dục cho học sinh phổ thông chưa làm tốt. Vì thế, có 70% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở để vào trung học phổ thông, thì chỉ có khoảng 5% lựa chọn nghề; có 15% sang thị trường lao động.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, giải pháp trong thời gian tới là chỉ đạo xây dựng chương trình phổ thông và sách giáo khoa phải rất coi trọng phân luồng, đặc biệt đối với trung học phổ thông. Bộ trưởng cho biết, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành khung hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó liên thông cùng với khung trình độ quốc gia 8 bậc của ASEAN. Qua đó, giáo dục nghề nghiệp với các bậc giáo dục khác trong hệ thống giáo dục quốc dân được liên thông với nhau. Bộ trưởng cũng tin rằng với khung này cộng với đổi mới nội dung chương trình giáo dục sắp tới sẽ thực sự là phân luồng tự nhiên. Học sinh học hết bậc học, không vào được cấp trên thì có những lựa chọn hướng khác. Tới đây, Bộ sẽ chỉ đạo rất sâu sắc từ xây dựng chương trình, phối hợp với các bộ, đặc biệt là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để thực hiện tốt phân luồng.
Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Kim Yến chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Ngô Thị Kim Yến- TP. Đà Nẵng cho rằng, đã 20 năm Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII đề cập đến vấn đề phân luồng học sinh phổ thông. Thực tế, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường không có việc làm ngày càng gia tăng. Cụ thể quý II năm 2016 đã có 191 nghìn người có trình độ đại học thất nghiệp, thậm chí có rất nhiều người phải giấu bằng đại học của mình để xin vào làm các công việc phổ thông. Điều này đã làm bức xúc trong xã hội và lãng phí rất lớn nguồn lực của Nhà nước, xã hội và gia đình. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra những giải pháp đã thực hiện và những khó khăn khi thực hiện phân luồng học sinh phổ thông.
Trả lời cho câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết, sẽ trả lời chi tiết hơn với các đại biểu sau khi đã rà soát lại tất cả các nguyên nhân, đặc biệt là các giải pháp không chỉ trong ngành giáo dục mà còn phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các địa phương để tạo ra được một sự liên thông trong quá trình học và hành, không chỉ dừng lại ở việc hướng nghiệp trong nhà trường, mặc dù đây là một khâu khởi đầu quan trọng.