Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Phó trưởng tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo chính trị ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XI Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại Bắc Kạn

30/12/2009

Trao đổi với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các thành viên Đoàn Công tác đã đặt câu hỏi và đề nghị làm rõ về tình hình thực hiện chủ trương CNH- HĐH trên địa bàn

Ngày 28 - 29.12, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Phó trưởng tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI Nguyễn Phú Trọng đã về thăm và làm việc tại tỉnh Bắc Kạn để nghiên cứu, nắm tình hình thực tiễn, phục vụ cho việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sắp tới.

 

 

Tham dự Đoàn Công tác có các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Tiểu ban: Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam Đỗ Hoài Nam; Ủy viên Trung ương Đảng Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền...

 

Đại diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã báo cáo với Chủ tịch QH và Đoàn Công tác về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH từ năm 1997 – thời điểm tái lập tỉnh đến nay; công tác xây dựng Đảng và tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 37- CT/ TW của Bộ Chính trị. Tính đến nay, sau hơn 13 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã đạt được nhiều thành tựu KT- XH. Tuy nhiên, Bắc Kạn vẫn là một trong những tỉnh khó khăn, đặc biệt là về kinh tế. Trao đổi với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các thành viên Đoàn Công tác đã đặt câu hỏi và đề nghị làm rõ về tình hình thực hiện chủ trương CNH- HĐH trên địa bàn. Với đặc thù của một tỉnh miền núi như Bắc Kạn, địa hình chia cắt, hiểm trở, núi cao thì hiểu như thế nào về CNH – HĐH? Thực tế tiếp xúc, nắm tình hình thực tiễn tại một số huyện, xã của tỉnh, có thể thấy nông thôn Bắc Kạn đang có nhiều khởi sắc. Trên địa bàn đã có những diện tích canh tác đất nông nghiệp đạt 45 - 50 triệu đồng/ ha/ năm. Nhưng, cơ cấu các ngành kinh tế ở một tỉnh miền núi nên tổ chức như thế nào để vừa phát huy được tiềm năng, lợi thế vừa giúp dân xóa đói giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu? Chúng ta nói cần tập trung đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng dân tộc thiểu số. Vậy, tình hình triển khai thực hiện chính sách này trên địa bàn như thế nào, có điểm nào được, điểm nào chưa được? Ở Bắc Kạn, có những huyện có tới khoảng 70% cán bộ cơ sở chưa qua đào tạo? Phải chăng đây là đặc thù của một tỉnh miền núi? Theo Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, một bộ phận nhân dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, vậy về phía cán bộ, đảng viên trong tỉnh thì sao, có hay không tình trạng nêu trên? Đối với địa phương miền núi như Bắc Kạn, địa hình chia cắt, hiểm trở thì hoạt động của cơ sở Đảng và việc phát huy vai trò của đảng viên như thế nào?... 

 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho rằng, tuy thời gian làm việc, gặp gỡ với bà con các dân tộc tại tỉnh Bắc Kạn không nhiều, nhưng Đoàn Công tác đã thu  được nhiều điều từ thực tiễn. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đặc biệt lưu ý với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn về phương pháp tư tưởng đánh giá, tổng kết thực tiễn để vừa thấy được tiềm năng, thế mạnh vừa thấy hết được những khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với Bắc Kạn. Từ đó bảo đảm tính công bằng, khách quan, thấy hết các mặt biện chứng của vấn đề, tránh tư tưởng chủ quan, phiến diện, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ bên ngoài.  

 

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng vui mừng và đánh giá cao những nỗ lực và thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã đạt được trong thời gian qua. Trong vòng hơn 13 năm, kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, GDP của tỉnh đã tăng 6,6 lần. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 8 triệu đồng/ người/ ha, tăng 6 lần. Tổng thu ngân sách tăng hơn 10 lần. Từ 299 tổ chức cơ sở Đảng năm 1997, đến nay, số lượng này đã tăng lên 425 cơ sở. Toàn tỉnh hiện chỉ còn 1 thôn chưa có đảng viên... Nhìn lại và đánh giá đúng những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn, thách thức đang đặt ra như vậy là một trong những cách để Bắc Kạn biết trân trọng, nâng niu những nỗ lực, phấn đấu đã qua và tiếp tục vươn lên quyết liệt hơn nữa. Chủ tịch QH cho rằng, quan trọng là sau đánh giá phải rút được bài học kinh nghiệm, là thấy được hướng đi và rõ về triển vọng phát triển.

 

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng lưu ý, năm 2010 là năm có nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, cụ thể là Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Đây là cơ hội để Bắc Kạn tổng kết lại tình hình của tỉnh nhà, phân tích thật sâu sắc, rà soát lại các phương thức sản xuất, tính toán kỹ bước đi. Và chắc chắn phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh hơn nữa theo hướng CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn.

 

Nhất trí với những quan điểm, tư tưởng và hướng đi của Bắc Kạn, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho rằng, việc Bắc Kạn xác định hướng đi là phát huy thế mạnh của địa phương, quyết tâm đi lên từ đất, từ rừng là phù hợp. Với truyền thống cách mạng kiên cường, đồng bào một lòng đi theo cách mạng, theo Đảng, Bắc Kạn cần chú ý phát huy truyền thống này. Đây là nguồn sức mạnh tinh thần, là hành trang mà tỉnh có thể tập trung khai thác, giáo dục cho các thế hệ, động viên các tầng lớp nhân dân cùng chung sức, chung lòng xây dựng quê hương, đóng góp cho sự phát triển của cả nước.

 

Nhân dịp chuẩn bị bước sang năm mới 2010, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã trân trọng gửi tới toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn lời thăm hỏi ân cần và chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất.

 

+ Trước đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Phó trưởng tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI Nguyễn Phú Trọng đã thăm và nắm tình hình thực tiễn tại xã Bằng Phúc, Chợ Đồn; Công ty TNHH Chè PeLoYen – Đài Loan; Nhà máy xi măng Bắc Kạn; Khu công nghiệp Thanh Bình; Trang trại của hộ gia đình anh Dương Văn Nguyên ở xã Quang Thuận, Bạch Thông; thăm và tặng quà Mẹ Liệt sỹ Nông Thị Liệu và gia đình hộ nghèo Phạm Thi Va ở xã Bằng Phúc, Chợ Đồn...

 

Bằng Phúc là xã vùng cao với diện tích tự nhiên gần 5 nghìn ha. Trong đó, diện tích rừng và đất rừng chiếm 70%, đất nông nghiệp chỉ chiếm hơn 4%. Toàn xã có 503 hộ gia đình với hơn 2.320 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc là Tày, Dao, Kinh, Hoa. Cũng như nhiều đơn vị khác của huyện Chợ Đồn và tỉnh Bắc Kạn, cán bộ và nhân dân các dân tộc xã Bằng Phúc có truyền thống đoàn kết, một lòng đi theo cách mạng và đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ an toàn căn cứ địa cách mạng trong thời kỳ kháng chiến. Năm 2001, xã được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, với sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc trong xã, Bằng Phúc tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống cách mạng, vượt qua khó khăn, đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực. Sản xuất nông, lâm nghiệp tiếp tục phát triển với tổng sản lượng lương thực tăng đều qua các năm. Năm 2009 xã đã đạt hơn 1.200 tấn, tăng so với 506 tấn của năm 2005. Nhiều dự án trồng cây chè tuyết, cây thuốc lá; chương trình mục tiêu quốc gia đang phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Tuy nhiên, xã Bằng Phúc nói riêng và huyện Chợ Đồn nói chung vẫn còn nhiều khó khăn đặc thù của một huyện vùng cao. Địa hình chia cắt, hiểm trở, đất đai manh mún, trong đó đất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 4% diện tích tự nhiên, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp...

 

Sau khi trực tiếp đến nhiều hộ gia đình ân cần thăm hỏi sức khỏe và tìm hiểu tình hình đời sống, sản xuất của bà con, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Đoàn Công tác đã làm việc với Đảng ủy xã Bằng Phúc. Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã biểu dương những nỗ lực mà cán bộ, đảng viên và bà con các dân tộc xã Bằng Phúc đã đạt được trong thời gian qua; chia sẻ với những khó khăn của một xã miền núi; mong muốn, Bằng Phúc không bằng lòng với những kết quả hiện có mà cần tiếp tục vươn lên, đẩy mạnh phát triển sản xuất, chủ động khai thác thế mạnh về rừng và đất rừng, từ đó không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn làm giàu. Chú ý tránh tư tưởng, tâm lý không tốt là một bộ phận nhân dân còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, huyện hoặc chỉ cốt làm đủ ăn, tự sản tự tiêu. Để Bằng Phúc tiếp tục phát triển, thoát nghèo bền vững, cùng với sự đầu tư của Trung ương, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng gợi mở, tỉnh, huyện cần quan tâm, giúp thêm xã về phương tiện sản xuất, hỗ trợ giống mới, kỹ thuật... để bà con vận dụng vào hoạt động sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con mở rộng sản xuất, tăng thu nhập...

T. Tâm

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác