Các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV Ảnh: Đình Nam
Các bộ, ngành ban hành 109 văn bản quy phạm pháp luật trên cở sở nghiên cứu, tiếp thu kiến nghị cử tri
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, từ sau Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Chính phủ, các thành viên Chính phủ dưới sự điều hành của Thủ tướng đã hết sức nỗ lực trong việc giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri, kết quả là tại kỳ họp này 100% các kiến nghị của cử tri đã được các bộ, ngành trả lời đảm bảo đúng thời gian quy định, khắc phục được tình trạng chậm trả lời kiến nghị cử tri (tại kỳ họp trước các kiến nghị được trả lời cử tri đúng thời gian quy định chỉ đạt 65,67%). Các kiến nghị của cử tri đã được thông tin, giải trình, trả lời tương đối cụ thể, rõ ràng, rành mạch hơn trước, được cử tri đồng tình, đánh giá cao. Các bộ, ngành đã nghiên cứu, tiếp thu nhiều kiến nghị của cử tri để ban hành 109 văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Tỷ lệ các kiến nghị được tiếp thu giải quyết dứt điểm dưới dạng ban hành sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật hoặc tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm chiếm 20,56 %, cao hơn so với kỳ họp trước (tỷ lệ này đạt 19,09%).
Bên cạnh đó, việc rà soát để giải quyết dứt điểm các kiến nghị còn tồn đọng từ nhiều kỳ họp trước cũng được các bộ, ngành tích cực giải quyết, tính đến nay, 119 kiến nghị đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết xong như: sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; về chế độ chính sách đối với Thanh niên xung phong; về kéo dài thời hạn cho vay mua nhà ở từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng; sửa đổi quy định về chuyển tuyến điều trị, thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh theo Bảo hiểm y tế; về điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trước năm 1995; về hướng dẫn các tiêu chí và điều kiện thụ hưởng các chính sách hỗ trợ kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất của các hợp tác xã nông nghiệp; về hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư,.... Ngoài ra, các kiến nghị chưa thể giải quyết được ngay cũng đang được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết hoặc xây dựng lộ trình để giải quyết dứt điểm.
Còn hạn chế trong giải quyết kiến nghị cử tri và việc sửa đổi, bổ sung văn bản hướng dẫn thi hành luật
Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết bên cạnh kết quả đạt được, việc giải quyết kiến nghị của cử tri vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Một số bộ, cơ quan ngang bộ vẫn còn có hiện tượng quá chú trọng tới việc trả lời kiến nghị của cử tri mà chưa quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết các kiến nghị cử tri. Thực tế còn hiện tượng né tránh những kiến nghị của cử tri cần phải tiếp thu để xử lý, giải quyết hoặc để ban hành, bổ sung, sửa đổi thay thế chính sách pháp luật có liên quan, thì lại chỉ được trả lời dưới dạng thông tin, giải trình tới cử tri. Có những kiến nghị cần tổ chức thanh tra, kiểm tra, kết luận để có căn cứ trả lời cử tri, nhưng chưa được thanh tra, kiểm tra đã có văn bản trả lời cử tri.
Đối với 277 kiến nghị của cử tri gửi tới các kỳ họp trước đến nay vẫn còn tồn đọng 142 kiến nghị chưa được giải quyết, trong đó một số bộ còn tồn đọng nhiều như: Bộ Tài nguyên và Môi trường là 29 kiến nghị; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông là 29 kiến nghị; Bộ Tài chính 24 kiến nghị; Bộ Giáo dục và Đào tạo là 11; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là 8,...
Việc sửa đổi, bổ sung một số văn bản hướng dẫn thi hành luật không còn phù hợp với thực tiễn, đã được cử tri kiến nghị tại nhiều kỳ họp nhưng chậm thực hiện, đến nay vẫn còn 75 văn bản chưa được sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, một số văn bản đã được ban hành nhưng chất lượng văn bản vẫn còn hạn chế, tình trạng văn bản mới ban hành nhưng không phù hợp với thực tiễn phải xem xét sửa đổi, bổ sung còn chưa được khắc phục điển hình như: Nghị định số 105/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; cá biệt có văn bản ban hành còn có nội dung trái với quy định của pháp luật, cụ thể như: Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính, trong đó có nội dung cho phép người có trách nhiệm đối thoại được phép ủy quyền đối thoại, trong quá trình giải quyết khiếu nại lần 2 là trái với quy định trong Luật Khiếu nại hiện hành. Ngay sau khi vấn đề này được nêu tại phiên họp ngày 05/10/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thanh tra Chính phủ đã tiếp thu, sửa đổi và ban hành thông tư 02/2016/TT – TTCP ngày 20/10/2016 sửa đổi nội dung không đúng nêu trên để đảm bảo phù hợp với Luật Khiếu nại hiện hành.
Ngoài ra, còn có những trả lời kiến nghị cử tri không đúng với nội dung mà cử tri hỏi, cử tri yêu cầu các cơ quan nhà nước phải giải quyết các vấn đề cụ thể đang gây bức xúc nhưng nội dung trả lời lại rất chung chung chưa rõ ràng, không có lộ trình biện pháp cụ thể giải quyết nên sau khi cử tri nhận được văn bản trả lời nhiều trường hợp lại tiếp tục có kiến nghị.
Đề nghị Chính phủ cần quan tâm để sớm ban hành quy chế tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri
Trên cơ sở đánh giá kết quả việc thực hiện giải quyết kiến nghị cử tri của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị của cử tri, hạn chế tối đa tình trạng nợ đọng việc giải quyết; xác định việc giải quyết, trả lời đầy đủ, đúng thời hạn các kiến nghị của cử tri là một trong những tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của bộ trưởng, trưởng ngành; rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung 75 văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành nhưng cử tri phản ánh còn chưa chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính khả thi dẫn đến chưa bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đề nghị Chính phủ cần quan tâm để sớm ban hành quy chế tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, trong đó cần xác định rõ sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc giải quyết các kiến nghị của cử tri có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; có hình thức xử lý đối với cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri, để cử tri kiến nghị bức xúc, kéo dài qua nhiều kỳ họp.
Đặc biệt, Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, tiến hành rà soát, giải quyết dứt điểm 142 kiến nghị của cử tri còn tồn đọng tại các kỳ họp trước, cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể giải quyết dứt điểm 142 kiến nghị tồn đọng này. Trong đó, đặc biệt quan tâm giải quyết bốn vấn đề mà nhiều cử tri quan tâm đã kiến nghị qua một số kỳ họp Quốc hội, đó là: tính ổn định của các phương án tổ chức thi tốt nghiệp PTTH và xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng; vấn đề vi phạm pháp luật và các biến tướng trong hoạt động bán hàng đa cấp; vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản, thực phẩm hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, có chính sách đột phá trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; vấn đề quản lý và xử lý các sai phạm trong khai thác tài nguyên khoáng sản, chặt phá rừng trái phép.