Cần bổ sung chính sách đối với công trình thủy lợi sử dụng đa mục tiêu

14/11/2016

Sáng 14/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật thủy lợi. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Thảo luận cho ý kiến về dự án Luật thủy lợi, đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật thủy lợi nhằm bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế- xã hội, trong đó có yêu cầu về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nhất là trong bối cảnh quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, gia tăng dân số càng phát triển thì yêu cầu về cấp nước, tiêu nước càng trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần rà soát để tránh trùng lặp với các luật đã ban hành như Luật đê điều, Luật phòng, chống thiên tai, Luật tài nguyên nước, Luật dân sự, Luật đầu tư, Luật giá… Đồng thời, bổ sung các quy định nhằm bảo đảm bao quát, quản lý đồng bộ giữa hoạt động động thủy lợi, thủy điện, trồng và bảo vệ rừng và mối quan hệ giữa thủy lợi với các ngành kinh tế khác, thể hiện được tính đa mục tiêu của hoạt động thủy lợi.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại Hội trường                                         Ảnh: Đình Nam

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành- tỉnh Lạng Sơn, cách tiếp cận của dự thảo Luật theo hướng giải quyết vấn đề quản lý trong công tác thủy lợi trước những thay đổi về chức năng của các công trình thủy lợi cũng như mô hình, cơ chế quản lý, chính sách đầu tư nhằm phát huy vai trò và bảo vệ sự phát triển của hệ thống thủy lợi trong nền kinh tế thị trường và phát triển bền vững. Những nội dung này cũng bảo đảm thể hiện rõ định hướng quan điểm của Đảng và Nhà nước trong công tác thủy lợi.

Về Chiến lược phát triển thủy điện, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, dự thảo xây dựng cho chu kỳ 10 năm, tầm nhìn 20 năm là quá ngắn và chưa phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn. Theo đại biểu, với tầm quan trọng và tính đặc thù của công trình thủy lợi, nhất là các công trình đầu mối hoặc các công trình xây dựng như hồ chứa thường kéo dài từ 5- 7 năm, thậm chí có công trình kéo dài đến 10 năm thì chiến lược phát triển thủy điện phải dài hơi hơn, phải đi trước một bước trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội. Thời gian của chiến lược phải kéo dài ít nhất 20 năm, tầm nhìn 50 năm và được rà soát, điều chỉnh theo chu kỳ 10 năm hoặc khi có sự thay đổi về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội hoặc khi có biến động lớn do thiên tai.

Về chính sách trong hoạt động thủy lợi, đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình- tỉnh Quảng Nam cho biết, thực trạng có nhiều công trình thủy lợi được đầu tư quy mô rất lớn nhưng hiệu quả sử dụng không cao vì thiếu nước. Có công trình khi khảo sát thì nguồn nước đảm bảo nhưng khi thi công xong thì thiếu nước. Có nhiều công trình có nước trong hồ nhưng không được dẫn đến đồng ruộng. Theo đại biểu vấn đề thủy lợi cần phải nhắm đến phục vụ đa ngành, đa mục tiêu, đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì vậy, luật cần quan tâm đến một số yếu tố liên quan đến các công trình thủy lợi, như thủy điện, khai thác các công trình thủy điện, thủy lợi vào hoạt động du lịch, vấn đề an toàn hồ đập, vấn đề xả lũ, trồng rừng thủy lợi.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh- tỉnh Hoà Bình nêu quan điểm việc quản lý vận hành các công trình thủy lợi đa mục tiêu như thủy điện, giao thông thủy, phải xác định đầu tiên là thủy lợi. Như trường hợp của thủy điện Hòa Bình đầu tiên là thủy lợi, trong đó có cấp nước cho vùng đồng bằng sông Hồng, có cắt lũ cho vùng thủ đô và đồng bằng sông Hồng, sau đó có giao thông thủy cho đường sông và mục tiêu thứ yếu mới là phát triển thương mại. Không chỉ các công trình lớn, trọng điểm mà các thủy điện nhỏ, theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, cũng cần quy định rất chặt chẽ ở loại hình đa mục tiêu thế này.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thủy- tỉnh Hậu Giang đề nghị quy định bổ sung quy hoạch thủy lợi thì cần quy hoạch đa mục tiêu và phát huy được tính năng, ứng dụng, kết hợp các công trình dân sinh với các công trình bảo vệ an ninh, quốc phòng như ở các địa bàn trọng điểm về kinh tế và quốc phòng an ninh tại vùng biển, vùng đồng bằng sông nước hay vùng biên giới, hải đảo v.v...

Về quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi, theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành lĩnh vực thủy lợi chịu sự điều chỉnh của nhiều bộ luật và nhiều ngành như Luật tài nguyên nước giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, quản lý khai thác, sử dụng nước và phòng chống tác hại của nước giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ranh giới quản lý của các luật này còn chưa rõ ràng nên trong tổ chức thực hiện còn những vướng mắc và chồng chéo. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề xuất nên tiếp cận theo hướng phân định những hoạt động liên quan đến nước gắn trực tiếp đến việc xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác các công trình thủy lợi. Hệ thống thủy lợi thì giao quản lý cho ngành nông nghiệp. Các hoạt động liên quan đến nước không gắn trực tiếp các công trình như chất lượng, ô nhiễm nước, điều hòa phân chia nguồn nước các lưu vực, nên giao trách nhiệm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Lan: quy định rõ ràng hơn việc phối hợp giữa các bộ, ngành

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Lan- tỉnh Bắc Ninh đề nghị quy định rõ ràng hơn việc phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa cơ quan Trung ương với địa phương khi thực hiện quy hoạch, xây dựng, quản lý các công trình có liên quan đến công trình thủy lợi để tránh gây thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Bên cạnh đó, đại biểu Phan Thái Bình cũng đề nghị xem xét lại và xác định nội dung, phạm vi phân cấp quản lý. Luật chỉ nên quy định phân cấp quản lý nhà nước đối với các công trình thủy lợi, tức là cấp nào thì quản lý, Chính phủ quản lý đến đâu, Bộ Nông nghiệp quản lý đến đâu, Ủy ban nhân dân các cấp quản lý đến đâu và hạng mục những công trình nào. Tại Khoản 1, Điều 22 có quy định "đối với các công trình thủy lợi do nhà nước đầu tư thì cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về thủy lợi quản lý công trình", còn rất chung chung, cần phải phân định rõ cơ quan chuyên môn nào và cấp nào.

Bảo Yến