Đại biểu Quốc hội Hoàng Thanh Tùng – tỉnh Sóc Trăng: Nhất trí cao với việc đề xuất mở rộng đối tượng và phạm vi đất nông nghiệp được miễn thuế sử dụng đất

14/11/2016

Chiều 8/11, phát biểu tại hội trường về dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu Quốc hội Hoàng Thanh Tùng- tỉnh Sóc Trăng nhất trí cao với nội dung Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng và phạm vi đất nông nghiệp được miễn thuế sử dụng đất được nêu trong tờ trình và dự thảo nghị quyết.

Theo đại biểu Hoàng Thanh Tùng, đây không chỉ là hành động thiết thực tiếp tục thực hiện di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc của Người viết tháng 5/1968 mà còn thể hiện nhất quán quan điểm, chủ trương của Đảng, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện chính sách tam nông trong giai đoạn hiện nay. Đại biểu cho rằng, chính sách tam nông, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng hiện nay đòi hỏi phải có động lực rất mạnh mẽ để hỗ trợ cho người nông dân, cho các hộ gia đình làm nông nghiệp. Còn việc để hoang hóa có thể có rất nhiều lý do khác chứ không phải vì vấn đề đánh thuế hay không đánh thuế vào sử dụng đất nông nghiệp.

Cũng theo đại biểu, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân theo dự thảo Nghị quyết không gây tác động lớn đến thu ngân sách Nhà nước (theo tính toán của Chính phủ thì khoản thu này chỉ khoảng 53,5 tỷ đồng/năm) nhưng sẽ tạo tâm lý đồng thuận trong nhân dân, góp phần khoan thư sức dân, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thông qua tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn, đẩy nhanh ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp the định hướng của Đảng.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc hai vấn đề sau: Thứ nhất, dự thảo Nghị quyết đề nghị trong thời gian Nhà nước chưa thu hồi đất thì tiếp tục thu 100% số thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao lại cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp. Đại biểu cho rằng, đây là hành vi vi phạm pháp luật về đất đai và theo quy định của Luật đất đai năm 2003 cũng như Luật đất đai năm 2013 thì Nhà nước phải thu hồi đất.

Theo đại biểu, chỉ riêng đối với đất nông nghiệp được giao cho các nông, lâm trường quốc doanh, Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội khóa XIII vào cuối năm 2015 cho thấy, có nhiều vi phạm trong vấn đề này. Nhiều nông, lâm trường giao khoán đất nhưng không quản lý chặt chẽ, để xảy ra tình trạng người nhận khoán đất tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, tự ý xây nhà ở, công trình dịch vụ kiên cố trên đất nhận khoán là phổ biến, nhất là ở vùng ven đô thị, gây nhiều bức xúc.

Vì lẽ đó, Nghị quyết số 30 ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp yêu cầu kiên quyết thu hồi đất giao lại cho địa phương khi nông, lâm trường không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích. Đây mới là kết quả giám sát đối với đất nông nghiệp được giao cho nông, lâm trường quốc doanh nếu có điều kiện giám sát việc sử dụng đất nông nghiệp được giao cho các tổ chức, đơn vị khác thì tôi cho rằng tình hình cũng phức tạp không kém.

Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội hết sức cân nhắc việc quy định tiếp tục thu 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với trường hợp này, số thuế thu được vào ngân sách nhà nước theo tính toán của Chính phủ là không đáng kể khoảng 5,7 tỷ đồng một năm, nhưng tác động bất lợi đối với ý thức thượng tôn pháp luật thì vô cùng lớn, vì như vậy đã hợp thức hóa hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khiến cho việc thu hồi đất đai theo quy định của Luật đất đai trở nên rất khó khăn.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần xử lý nghiêm các hành vi này theo đúng quy định tại Nghị định số 102 năm 2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, đồng thời đề nghị Quốc hội ấn định thời hạn và giao Chính phủ kiên quyết thực hiện việc thu hồi diện tích đất nông nghiệp được giao cho các tổ chức nhưng sử dụng không đúng mục đích để hoang hóa hoặc đem giao cho thuê lại không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền.

Thứ hai, về mặt kỹ thuật văn bản, đại biểu cho rằng, Nghị quyết số 55 có 5 điều, trong khi dự thảo nghị quyết trình Quốc hội dự kiến sửa đổi phần lớn nội dung Điều 1, và bãi bỏ các Điều 2, 3 và 4 của Nghị quyết số 55. Đối với Điều 5 của Nghị quyết số 55 là điều khoản thi hành thì một số nội dung đã trùng với Điều 3 của dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung. Như vậy, thực chất dự thảo nghị quyết không phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55 mà là thay thế nghị quyết này, hơn nữa với việc dự kiến bỏ Điều 2 của Nghị quyết số 55 thì phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 55 đã thay đổi vì không còn trường hợp nào được giảm thuế, sử dụng đất nông nghiệp mà chỉ còn các trường hợp được miễn thuế.

Do đó, về hình thức văn bản, đại biểu Hoàng Thanh Tùng đề nghị cân nhắc, ban hành nghị quyết mới về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thay thế Nghị quyết số 55 chứ không ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung. Việc ban hành nghị quyết mới cũng sẽ giúp cho việc thi hành thuận lợi hơn bởi thay vì cùng lúc phải so sánh, đối chiếu, áp dụng hai nghị quyết thì các cơ quan, tổ chức, người sử dụng đất chỉ phải căn cứ vào một nghị quyết.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, từ khi nhà nước ta ban hành Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993 đến nay thì đây là lần thứ ba Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết để miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp với nhiều chính sách mới, ngày càng tạo thuận lợi hơn cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, cũng nhiều quy định của Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp đã không còn phù hợp. Vì vậy, đề nghị Quốc hội giao Chính phủ tổ chức nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và các nghị quyết về miễn giảm thuế đã ban hành. Trường hợp cần thiết thì đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993 để bảo đảm tính thống nhất.

Minh Hằng lược ghi