Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

08/11/2016

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, chiều 8/11, tại Hội trường Diên Hồng- Nhà Quốc hội, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình                           Ảnh: Đình Nam

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ,việc xây dựng dự án Luật sẽ nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về chính sách và tổ chức thực hiện hỗ trợ DNNVV như chính sách hỗ trợ đã được quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ. Đồng thời nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước cũng như học tập kinh nghiệm của các nước trong hỗ trợ DNNVV. Do đó, việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV là cần thiết, đáp ứng nhu cầu và giúp khu vực DNNVV phát huy tốt nhất vai trò của mình trong nền kinh tế.

Về bố cục, Luật Hỗ trợ DNNVV gồm 6 chương với 45 điều. Cụ thể, Chương I: Những quy định chung gồm 6 Điều, từ Điều 1 đến Điều 6.Chương II: Các nội dung hỗ trợ cơ bản DNNVV gồm 12 Điều, từ Điều 7 đến Điều 18. Chương III: Chương trình hỗ trợ trọng tâm DNNVV gồm 14 Điều, từ Điều 19 đến Điều 32. Chương IV: Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm hỗ trợ DNNVV của cơ quan, tổ chức, cá nhân gồm 4 Điều, từ Điều 33 đến Điều 36. Chương V: Nguồn vốn, cơ chế phối hợp, giám sát và đánh giá hỗ trợ DNNVV gồm 6 Điều, từ Điều 37 đến Điều 42. Chương VI: Điều khoản thi hành gồm 3 Điều, từ Điều 43 đến Điều 45.

Thay mặt Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh cho biết, về sự cần thiết ban hành luật, đa số ý kiến của Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, những hạn chế nêu trong Tờ trình của Chính phủ chưa đủ là lý do để ban hành luật mà chỉ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2009/NĐ- CP, bổ sung quy định của Nghị quyết số 35/NQ- CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 hoặc sử dụng phương pháp một luật sửa nhiều luật về những nội dung vướng mắc, bất cập. Việc ban hành một luật chung trong khi một số luật khác vẫn có quy định hỗ trợ DNNVV có thể gây ra trùng lặp, chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra

Mặt khác, nhiều nội dung, hình thức, chương trình hỗ trợ DNNVV quy định trong dự thảo Luật được xây dựng từ những kinh nghiệm, sáng kiến của các nước, chưa có điều kiện kiểm nghiệm, áp dụng thực tiễn ở Việt Nam. Một số kinh nghiệm khác đã được đưa vào áp dụng thực tế qua Nghị định 56/2009/NĐ-CP nhưng chưa được đánh giá có hiệu quả thực tế tại Việt Nam. Dự thảo Luật còn giao Chính phủ hướng dẫn quá nhiều nội dung. Vì vậy, chưa thể khẳng định tính khả thi của những nội dung hỗ trợ DNNVV trong dự thảo Luật.

Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc ban hành Nghị định 56/2009/NĐ-CP được thực hiện trong thời kỳ nền kinh tế gặp khó khăn, cả nước đang thực hiện gói kích cầu; khi đó không quy định về nguồn vốn hỗ trợ, chưa tạo ra cơ chế hình thành nguồn kinh phí dành riêng hỗ trợ DNNVV mà chủ yếu lồng ghép vào các chương trình, chính sách theo ngành, lĩnh vực dẫn đến việc các chính sách chưa hiệu quả. Do vậy tán thành việc bổ sung quy định về nguồn vốn như dự thảo Luật.

Về đối tượng áp dụng (Điều 2), Ủy ban Kinh tếđề nghị rà soát kỹ đối tượng áp dụng, không hỗ trợ chung chung mà cần ưu tiên tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Về tiêu chí xác định DNNVV (Điều 4), Ủy ban Kinh tế tán thành về việc sử dụng tiêu chí tổng nguồn vốn và số lao động bình quân năm nhưng cần làm rõ tổng nguồn vốn gồm cả vốn và tài sản, kể cả vốn vay và tài sản được sử dụng vào hoạt động của doanh nghiệp. Bởi các loại vốn này được ghi chép đầy đủ vào sổ sách kế toán và báo cáo tài chính doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp. Ngoài ra, so với doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa thì tiêu chí để xác định doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ có số lao động bình quân năm. Như vậy, các tiêu chí để xác định quy mô doanh nghiệp là chưa nhất quán.

Về nguyên tắc hỗ trợ DNNVV (Điều 5), Ủy ban Kinh tế đồng tình với quan điểm chuyển phương thức hỗ trợ từ hỗ trợ trực tiếp cho các DNNVV sang chủ yếu hỗ trợ gián tiếp thông qua các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ để không làm méo mó thị trường và tránh vi phạm cam kết quốc tế. Tuy nhiên, đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ nội dung thiết yếu thuộc phạm vi, trách nhiệm Nhà nước phải hỗ trợ trực tiếp để đối tượng DNNVV được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước.

Về quyền và nghĩa vụ của DNNVV (Điều 6), Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét, bổ sung quy định DNNVV phải hoàn trả những hỗ trợ đã được hưởng thụ khi vi phạm pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời quy định “điểm dừng” pháp lý khi doanh nghiệp đủ mạnh thì không hưởng hỗ trợ nữa.

Về các nội dung hỗ trợ cơ bản DNNVV (Chương II), Ủy ban Kinh tế đề nghị nên tập trung, đánh giá để quy định chi tiết một số hỗ trợ chính mà DNNVV thực sự cần như hỗ trợ tiếp cận tín dụng, tài chính, thông tin và tư vấn (gồm cả tư vấn pháp lý), ươm tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Với mỗi nội dung hỗ trợ cần đi kèm cân đối nguồn lực, tuân thủ Luật đầu tư công để bảo đảm tính khả thi của chính sách, tránh dàn trải, chung chung.

Về hỗ trợ tiếp cận tín dụng (Điều 9 và Điều 10), Ủy ban Kinh tếđề nghị tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung phù hợp trong dự thảo Luật này và các luật liên quan để bảo đảm tính khả thi, tránh việc quy định chỉ mang tính khuyến khích và thiếu cụ thể, không thực hiện được trong thực tế.

Về hỗ trợ tài chính (Điều 11), Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, rà soát kỹ, đánh giá tác động cụ thể việc giảm thuế suất cho DNNVV và các biện pháp hỗ trợ về thuế khác để nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai, nhưng không ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước hiện tại; rà soát, nghiên cứu để đưa ra phương án tối ưu nhất hỗ trợ về thuế cho DNNVV và báo cáo Quốc hội xem xét.

Về hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh (Điều 12), đa số ý kiến của Ủy ban Kinh tế tán thành việc không nên quy định khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cho DNNVV thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh mà chỉ quy định áp dụng cho cụm công nghiệp thì sẽ phù hợp hơn với quy mô và khả năng tài chính của DNNVV…;cần quan tâm đến việc hỗ trợ DNNVV tiếp cận đất nông nghiệp, đặc biệt là đất ruộng, đất sản xuất kinh doanh ở đô thị.

Về hỗ trợ tham gia mua sắm công (Điều 15), Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát để bảo đảm tính thống nhất giữa các luật. Đồng thời có phương án xử lý kỹ thuật đối với những gói thầu đặc thù, tiêu chuẩn kỹ thuật cao, DNNVV khó đáp ứng.

Về các quỹ hỗ trợ DNNVV (Điều 10, Điều 27, Điều 28), Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc, rà soát kỹ việc thành lập quá nhiều quỹ mà hiệu quả thực chất đem lại chưa tương xứng, các DNNVV vẫn chưa tiếp cận được các nguồn vốn, hơn nữa gây áp lực cho ngân sách, tài chính nhà nước khi hỗ trợ các Quỹ này; làm rõ tính thuyết phục của việc chuyển từ hình thức hoạt động phi lợi nhuận sang hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận (khoản 2 Điều 10) của Quỹ phát triển DNNVV. Mặt khác, nội dung quy định tại khoản 2 Điều 10 đối với Quỹ bảo lãnh tín dụng là không phù hợp với quy định của Luật tổ chức tín dụng.

Về chương trình hỗ trợ trọng tâm DNNVV (Chương III), Ủy ban Kinh tế tán thành việc lựa chọn hỗ trợ có trọng điểm đối với một số DNVVV theo hướng chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến chế tạo, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao... có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao; đề nghị bổ sung quy định rõ hơn về định hướng ưu tiên phát triển của Nhà nước…

Về nguồn vốn hỗ trợ DNNVV (Điều 37, Điều 38), Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trong dự thảo Luật về nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách để có cơ sở bổ sung một dòng ngân sách hỗ trợ cho DNNVV. Tuy nhiên, cần rà soát, tránh mâu thuẫn với Luật ngân sách nhà nước.

Về một số vấn đề khác, Ủy ban Kinh tế đề nghịdự thảo Luật cần nghiên cứu, bổ sung chế tài xử lý cụ thể, rõ ràng, nghiêm minh, đủ mạnh để ngăn ngừa, răn đe khi tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện không đúng quy định của pháp luật về hỗ trợ DNNVV; đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính một cách thực chất, rà soát loại bỏ rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, tạo điều kiện tốt nhất và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và công dân.

+ Theo Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được Quốc hội thảo luận ở Tổ vào thứ tư, ngày 9/11; thảo luận ở Hội trường, nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội vào thứ ba, ngày 22/11.

Quang Minh- Nguyễn Thảo