Phòng vệ thương mại là nội dung quan trọng nhằm bảo vệ thị trường nội địa

07/11/2016

Sáng 7/11, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Quản lý ngoại thương. Vấn đề phòng vệ thương mại được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Toản: phòng vệ thương mại là một nội dung vô cùng quan trọng             Ảnh: Đình Nam

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, việc luật hóa ba pháp lệnh về phòng vệ thương mại đã được ban hành từ những năm 2002 đến 2004 là cần thiết, phù hợp với Hiến pháp và các luật mới được ban hành về đầu tư kinh doanh.

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Toản- tỉnh Hưng Yên cho rằng, phòng vệ thương mại là một nội dung vô cùng quan trọng gắn liền với hoạt động ngoại thương cần được quan tâm sâu sắc để bảo vệ thị trường nội địa trước sự thâm nhập của hàng hóa nước khác, đặc biệt trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Trong thương mại quốc tế, các biện pháp phòng, chống bán phá giá và chống trợ cấp và tự vệ được coi là ba trụ cột của hệ thống các biện pháp phòng vệ thương mại và được áp dụng để bảo vệ thị trường nội địa.

Đại biểu Phạm Đình Toàn cho rằng, qua nghiên cứu cho thấy, dự thảo Luật vẫn còn một số quy định chưa đảm bảo các yêu cầu, một số nội dung cần được cân nhắc, điều chỉnh. Thứ nhất, về các điều kiện áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, các điều kiện nêu tại các điều khoản này chỉ bao gồm các điều kiện cứng theo quy định bắt buộc của Tổ chức thương mại thế giới WTO mà chưa có điều kiện mềm nhưng rất quan trọng đối với Việt Nam là điều kiện về lợi ích kinh tế- xã hội. Theo đó, ngay cả khi đã có đủ điều kiện cứng, biện pháp phòng vệ thương mại cũng sẽ không được áp dụng nếu việc áp dụng ảnh hưởng bất lợi tới kinh tế- xã hội nói chung.

Đại biểu cho rằng, mặc dù dự thảo có quy định về nội dung này như một yếu tố của nội dung điều tra, chống bán phá giá, chống trợ cấp, nhưng việc không đưa vấn đề này vào điều kiện áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại sẽ khiến cho nội dung điều tra về vấn đề này không còn ý nghĩa.

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền: Chính phủ cần xem xét sửa toàn diện Luật thương mại năm 2005

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền- tỉnh Thái Bình cho rằng, trong Tờ trình của Chính phủ chưa nói rõ về việc tổng kết đánh giá thực hiện 3 pháp lệnh trên. Việc luật hóa 3 pháp lệnh trên vào Luật quản lý ngoại thương cũng có phần chưa thật hợp lý, làm cho mọi người cảm thấy quản lý nhà nước về ngoại thương đã trở nên đồ sộ và dự thảo luật đã lên tới 115 điều. Việc ban hành luật này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các nhà đầu tư kinh doanh và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong nước cũng như quốc tế.

Từ phân tích trên, đại biểu Bùi Văn Xuyền đề nghị Chính phủ cần xem xét sửa toàn diện Luật thương mại năm 2005 và bổ sung thêm một số nội dung quản lý nhà nước về ngoại thương cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; Không xác định, không tách ra thành một luật riêng về quản lý nhà nước về ngoại thương như dự thảo luật. Đồng thời, nên tách riêng Chương IV của dự thảo Luật về phòng vệ thương mại thành một luật riêng về phòng vệ thương mại của Việt Nam, như vậy sẽ đảm bảo được tinh thần của Chính phủ hiện nay.

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh- tỉnh Khánh Hoà cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung thêm nguyên tắc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, không gây tổn hại tới lợi ích kinh tế- xã hội Việt Nam. Xét cho cùng biện pháp phòng vệ thương mại cần phải hài hòa giữa việc bảo vệ một ngành sản xuất trong nước với việc không gây thiệt hại cho các bên liên quan khác của Việt Nam bao gồm nhà nhập khẩu và người tiêu dùng. Do đó, đại biểu đề nghị có thể bổ sung quy định, việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại không được gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế- xã hội trong nước.

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình- tỉnh Trà Vinh nêu rõ, hiện nay, Việt Nam là thành viên chính thức của nhiều thiết chế thương mại khu vực và thế giới, điều này đồng nghĩa với việc chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận một sân chơi, luật chơi chung, bình đẳng với mọi nước khác. Tuy nhiên, dự án Luật mới đưa ra quy định phòng vệ khi doanh nghiệp nước ngoài vào nước ta chèn ép doanh nghiệp trong nước, chưa có quy định các biện pháp phòng vệ khi doanh nghiệp nước ta ra nước ngoài mà bị chèn ép. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét, bổ sung.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng phát biểu tại Hội trường

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng- tỉnh Thái Nguyên cho rằng, các hoạt động liên quan đến điều tra phòng vệ thương mại không phải là hoạt động điều tra hình sự theo quy định của Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự. Do đó, để tránh nhầm lẫn, đại biểu đề nghị cần giải thích từ ngữ điều tra phòng vệ thương mại và các nội dung trong dự thảo luật cần ghi rõ điều tra phòng vệ thương mại.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến- tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị quy định cụ thể vào luật như trình tự thủ tục, nội dung điều tra, quy trình về các biện pháp phòng vệ thương mại; không nên giao cho Chính phủ hướng dẫn. Đồng thời, đại biểu đề nghị cân nhắc việc quy định về cơ quan điều tra thương mại, thủ trưởng cơ quan điều tra thương mại và điều tra viên thương mại như trong dự thảo vì liên quan đến tổ chức bộ máy biên chế cán bộ công chức, viên chức trong điều kiện sắp xếp bộ máy tinh giảm biên chế hiện nay theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu trên cơ sở tổng kết thực tiễn từ 3 pháp lệnh về phòng vệ thương mại trong thời gian vừa qua. Đồng thời có nguyên tắc áp dụng khai thác tất cả quyền hạn, dư địa có được khi là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới để phục vụ cho việc phát triển bền vững thương mại và kim ngạch xuất nhập khẩu với thế giới, đặc biệt là hướng tới một số đặc thù mà đã bộc lộ rõ trong thời gian vừa qua, là vai trò chủ động của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ thể doanh nghiệp trong thương mại quốc tế cũng như bảo vệ thị trường nội địa, nhưng theo nguyên tắc chung của thương mại quốc tế và nguyên tắc kinh tế thị trường, đồng thời căn cứ vào các cam kết hội nhập quốc tế.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công thương nêu rõ, trong luật lần này một số khái niệm chung nhưng sẽ hướng đến định nghĩa cụ thể hơn. Bởi vì, đây có rất nhiều khái niệm mang tính chuyên môn kỹ thuật, hy vọng rằng trong phiên bản tới của dự thảo luật báo cáo với Quốc hội lần tới sẽ có đầy đủ những khái niệm và giải thích ngữ nghĩa để đảm bảo sự hiểu biết cũng như hướng dẫn thực hiện sau này đi vào thực chất hơn.

Đặng Mai- Minh Hằng