Các quy định của dự án Luật còn chung chung
Thảo luận tại Hội trường, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Luật quản lý ngoại thương còn nhiều quy định chưa cụ thể, gây khó khăn trong thực hiện khi đi vào thực tiễn. Đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường- tỉnh Bình Định cho rằng, một số nội dung trong dự thảo Luật quy định còn chung chung dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau, dễ tạo cơ chế xin- cho; nguy cơ gian lận thương mại, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường dịch bệnh, tiềm ẩn khả năng gây mất an toàn. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ những nội dung này để đảm bảo cho việc nhận thức và áp dụng luật thống nhất, sao cho khuyến khích thương nhân nước ta kinh doanh ngoại thương theo quy định của Hiến pháp một cách thuận buồm xuôi gió để góp phần phát triển kinh tế- xã hội.
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc- tỉnh Thái Bình nêu rõ, mục tiêu lớn nhất của luật này là thống nhất được các biện pháp quản lý ngoại thương mà lâu nay đang được quy định tại nhiều văn bản, bởi nhiều cơ quan khiến cho cơ chế quản lý ngoại thương thiếu thống nhất, không minh bạch, gây cản trở cho doanh nghiệp nhưng với thiết kế như dự thảo thì dường như luật chưa đạt được mục tiêu này. Đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu ví dụ vấn đề quản lý kiểm tra chuyên ngành đối với hoạt động xuất nhập khẩu, không có quy định nào thống nhất về việc kiểm tra chuyên ngành phải làm như thế nào và trên nguyên tắc gì, thời hạn ra sao, áp dụng với loại hàng hóa nào và phải phối hợp liên kết với nhau như thế nào. Lẽ ra luật này phải đạt được các mục tiêu cốt lõi, chi tiết làm khuôn khổ để thống nhất hoạt động của các bộ, làm công cụ tổng lực để giải quyết rốt ráo và có hệ thống vấn đề kiểm tra chuyên ngành đang rất nan giải hiện nay, nhưng dự Luật lại quy định rất chung chung và trao quyền ưu tiên cho pháp luật chuyên ngành và cho các bộ chuyên ngành, tôi thấy như vậy là chưa ổn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Vân Chi phát biểu tại Hội trường Ảnh: Đình Nam
Đồng tình với điều này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Vân Chi- tỉnh Nghệ An cho rằng, nhiều biện pháp quản lý đang được dự thảo trong dự luật này, tức là theo kết cấu bao gồm điều khoản về định nghĩa, về nguyên tắc và điều khoản về thẩm quyền. Theo đại biểu, sẽ rõ ràng và gọn hơn nếu như các định nghĩa, các khái niệm đều được đưa vào các điều khoản về giải thích từ ngữ và các điều khoản về nguyên tắc trong dự thảo, cũng như nhiều ý kiến đã phát biểu nên cần phải rà soát lại để bỏ bớt những quy định chỉ mang tính chung chung và không có nội hàm. Ví dụ, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, phát triển xuất khẩu góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh đảm bảo minh bạch, công khai. Theo đại biểu chỉ nên để lại những nguyên tắc có nội dung cụ thể hay có những tiêu chí cụ thể và quy định trực tiếp thành những điều khoản chứa đựng nội dung quản lý để tạo cơ sở cho việc hướng dẫn bởi các văn bản dưới luật.
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ôm đồm nhiều vấn đề không cần thiết
Đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu rõ, về phạm vi điều chỉnh, nói một cách tổng quát, dự thảo đã ôm đồm quá nhiều vấn đề không cần thiết và không hiệu quả. Do vậy, vô hình trung đã khoác thêm nhiều nấc quản lý mới đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngoại thương, hạn chế quyền tự do kinh doanh của họ. Cụ thể, có những vấn đề quản lý mặc dù liên quan tới ngoại thương nhưng mang tính chất đặc thù đã được quy định ổn định trong các văn bản khác nhưng lại được thiết kế vào luật này, vừa khiến hệ thống pháp luật cồng kềnh thêm. Các bộ quản rồi Bộ Công thương lại quản thêm, quản chồng lên quản. Ví dụ, quy định về hàng tạm nhập tái xuất, quá cảnh, cửa khẩu xuất nhập khẩu lâu nay vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật hải quan và cơ quan hải quan vẫn kiểm soát có hiệu quả, giờ lại quy định vào luật này vừa cồng kềnh, vừa phát sinh thêm giấy phép mới, như giấy phép tạm nhập tái xuất, giấy phép quá cảnh do Bộ Công thương cấp. Có những vấn đề quản lý đúng là liên quan đến ngoại thương, đúng là chưa được quy định ở đâu nhưng lâu nay vẫn hoạt động trên thực tiễn, vẫn diễn ra bình thường không gặp vướng mắc, khó khăn gì, vậy sao bây giờ lại phải bổ sung quy định phải quản lý.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ôm đồm nhiều vấn đề không cần thiết
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, mục tiêu của luật này là để hệ thống hóa quản lý, không phải gia tăng thêm mức độ tầng nấc quản lý đối với hoạt động ngoại thương. Ví dụ, quy định về đại lý mua bán hàng hóa quốc tế ủy thác và nhận ủy thác xuất nhập khẩu, gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài lâu nay vẫn thực hiện theo Luật thương mại, không có vấn đề gì phát sinh, vậy cớ gì phải bổ sung thêm cơ chế quản lý này. Đối với hàng hóa đặc thù cũng vậy, pháp luật chuyên ngành đã có quy định rồi. Ví dụ, gia công thuốc, gia công nông hóa phẩm thì pháp luật về y tế, về nông nghiệp đã có rất nhiều điều kiện rồi vậy Luật ngoại thương cũng không cần quy định.
Có những vấn đề không chỉ liên quan tới ngoại thương mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác quy định vào luật này lại thành xé lẻ cơ chế quản lý, làm giảm hiệu quả chung. Ví dụ quy định về giải quyết tranh chấp về biện pháp quản lý ngoại thương, giải quyết tranh chấp cấp Chính phủ. Cơ chế giải quyết tranh chấp cấp Chính phủ là rất cần thiết nhưng phải được quy định chung cho tất cả các tranh chấp thương mại chứ không thể cát cứ như trong dự Luật quy định. Tranh chấp thương mại cấp Chính phủ có thể xảy ra với nhiều loại biện pháp mà Chính phủ thực hiện, ví dụ thuế nội địa, phân biệt đối xử trong thương mại, biện pháp đầu tư, sở hữu trí tuệ nếu quy định như trong dự luật này thì cứ mỗi lĩnh vực lại phải quy định một cơ chế giải quyết tranh chấp riêng, rất không hợp lý.
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình: Luật quản lý ngoại thương nên tập trung điều chỉnh đối tượng là hàng hóa
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình- tỉnh Trà Vinh cho rằng, Luật quản lý ngoại thương nên tập trung điều chỉnh đối tượng là hàng hóa, không điều chỉnh đối tượng dịch vụ, vì rằng các lĩnh vực dịch vụ đã được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật chuyên ngành khác như Luật viễn thông, Luật xây dựng và theo nghiên cứu thì nhiều dịch vụ ngoại thương được thực hiện chủ yếu thông qua hình thức xuyên biên giới, việc áp dụng quản lý truyền thống khó khả thi và sẽ gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy chủ yếu pháp luật liên quan đến quản lý ngoại thương chỉ quy định về xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Nhiều đại biểu cho rằng, phạm vi điều chỉnh của luật chỉ nêu những nội dung cơ bản bao trùm, khái quát ở đây cần nêu rõ hoạt động ngoại thương hàng hóa không phải là hoạt động ngoại thương dịch vụ còn nội dung sẽ được quy định tại các điều cụ thể. Do vậy, các đại biểu đề nghị sửa luật này điều chỉnh hoạt động ngoại thương hàng hóa và các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương hàng hóa.