Ủy ban Quốc phòng- An ninh thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam

03/11/2016

Chiều 3/11, Ủy ban Quốc phòng- An ninh họp phiên toàn thể để thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đến tham dự và chỉ đạo phiên họp. Chủ nhiệm Ủy ban Võ Trọng Việt chủ trì phiên họp.

Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết                           Ảnh: Đình Nam

Thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết, thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để góp phần phát triển du lịch, môi trường đầu tư kinh doanh… Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36a/NQ- CP ngày 14/10/2015 với chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, trong đó có việc xây dựng và triển khai cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Theo dự thảo Nghị quyết, toàn bộ quá trình từ nộp hồ sơ, xem xét giải quyết và thông báo kết quả cấp thị thực cho người nước ngoài đều thực hiện bằng phương tiện điện tử. Người nước ngoài được giải quyết cấp thị thực điện tử sẽ truy cập Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để in thị thực.

Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết, quy định cấp thị thực điện tử như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người nước ngoài, cơ quan kiểm soát xuất nhập cảnh; tạo thuận lợi cho người nước ngoài vào Việt Nam, nhất là góp phần phát triển du lịch, thu hút đầu tư. Tuy nhiên, việc cấp thị thực điện tử nêu trên chưa được quy định trong Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Do vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam, việc xây dựng, ban hành nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm chủ trương này là cần thiết.

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Nghị quyết như Tờ trình của Chính phủ; cho rằng nội dung của dự thảo Nghị quyết phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng về hội nhập quốc tế và Hiến pháp 2013.

Ủy ban Quốc phòng- An ninh cơ bản tán thành với tên gọi và bố cục của dự thảo Nghi quyết; cho rằng dự thảo Nghị quyết đã có kết cấu các điều, khoản phù hợp, thuận tiện cho việc quản lý và thi hành. Tuy nhiên, Ủy ban thẩm tra cũng nêu rõ, nội dung của dự thảo Nghị quyết liên quan đến nhiều lĩnh vực như: đầu tư, lao động, du lịch, an ninh… Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát kỹ để tránh chồng chéo, trùng lắp với các quy định có liên quan của các luật khác trong hệ thống pháp luật.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu đánh giá hồ sơ dự án Nghị quyết đã tiếp thu tương đối đầy đủ các ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 4 và được hoàn chỉnh theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2.

Tuy nhiên, về đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị quyết, nhiều đại biểu cho rằng, việc quy định đối tượng áp dụng thí điểm là tất cả người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là quá rộng. Các đại biểu cho rằng, quy định như vậy sẽ tạo ra sơ hở, gây khó khăn trong kiểm soát. Theo các đại biểu, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết nên thu hẹp lại sẽ phù hợp hơn.

Thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết là quá rộng, sẽ đặt ra thách thức không nhỏ đối với hoạt động quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là trong điều kiện tình hình thế giới hiện nay đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Ủy ban Quốc phòng- An ninh đề nghị, trước mắt chỉ nên áp dụng với đối tượng là khách du lịch, khách vào Việt Nam để khảo sát thị trường, tìm cơ hội đầu tư, hoặc người nước ngoài ở quốc gia đã đăng ký các công ước về ngoại giao liên quan đến vấn đề này trên cơ sở có đi có lại.

Ngoài ra, Quốc phòng- An ninh đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ hơn về cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Đồng thời, bổ sung quy định giao Bộ Công An, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng là những cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Cùng với đó, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh sửa về kỹ thuật văn bản đối với dự thảo Nghị quyết để đảm bảo thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành.

Phát biểu cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhất trí với các nội dung thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng- An ninh; đề nghị, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đề nghị Ban soạn thảo phân tích làm rõ thêm các nội dung về đảm bảo an ninh quốc phòng, an toàn an ninh mạng; nghiên cứu để đưa ra quy định phù hợp, tránh sơ hở để kẻ xấu lợi dụng. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo có báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến các đại biểu và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng- An ninh sau phiên họp này. Bên cạnh đó, đề nghị Ủy ban Quốc phòng- An ninh tiếp tục phối hợp với Ban soạn thảo hoàn thiện báo cáo thẩm tra gửi các đại biểu Quốc hội.

Thu Phương