Thảo luận kế hoạch phát triển KT-XH: Đề nghị xem xét lại chỉ tiêu tăng trưởng GDP của nước ta là 6,7% trong năm 2017

02/11/2016

Tiếp tục phiên thảo luận tại Hội trường, ngày 2/11, tại Hội trường Diên Hồng- Nhà Quốc hội, cho rằng việc xác định chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6,7% trong năm 2017 còn "tương đối cao", các đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xem xét lại vấn đề này. Đồng thời đề xuất việc tăng trưởng GDP nên dao động từ 6%- 6,5% hoặc từ 6,3%- 6,7%.

Đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP quá cao là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự bất ổn kinh tế vĩ mô

ĐBQH Vũ Tiến Lộc: Việc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho năm 2017 là tương đối cao

Theo đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc- tỉnh Thái Bình, việc đặt ra những mục tiêu cao sẽ là động lực để cả hệ thống vươn xa, tuy nhiên nhìn từ góc độ khác, việc đặt ra những mục tiêu quá tầm với thể hiện tính chủ quan, duy ý chí, bỏ qua các quy luật khách quan và cũng không thể nói là vô hại. Bởi nhìn lại các kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn trước có thể khẳng định rằng, chính việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP quá cao là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự bất ổn kinh tế vĩ mô, bởi nó đòi hỏi quá nhiều nguồn lực buộc các chính sách tài chính và tiền tệ phải nới lỏng quá mức, gây ra những hệ luỵ như lạm phát, nợ công, nợ xấu mà cho tới nay chúng ta vẫn còn loay hoay chưa giải quyết xong. Do đó, trong bản kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội lần này, việc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho năm 2017 là tương đối cao.

Lý giải nhận định trên, đại biểu Vũ Tiến Lộc phân tích, trong 9 tháng đầu năm 2016, nền kinh tế mới chỉ tăng trưởng chưa đến 6%, các động lực chính của tăng trưởng, đầu tư công và xuất khẩu đều không đạt kế hoạch. Nền kinh tế thế giới vẫn chưa khởi sắc, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn và gần 60% doanh nghiệp của chúng ta kinh doanh không có lãi. Dịch bệnh, thiên tai dưới tác động của biến đổi khí hậu đang diễn biến khó lường. Do đó, dựa trên cơ sở nào để Chính phủ đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho năm 2017?.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Cảnh- tỉnh Bình Thuận cũng cho rằng, trước tác động không thuận của tình hình thế giới, thách thức của những khó khăn, yếu kém nội tại trong nền kinh tế, nhất là chậm đổi mới mô hình tăng trưởng và phải lường trước những ảnh hưởng xấu do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra, thì việc chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,7% là điều “còn phân vân”.

ĐBQH Lý Tiết Hạnh: Cần xác định tăng trưởng GDP trong năm 2017 dao động từ 6,3 % đến 6,7%

Theo đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh- tỉnh Bình Định, Báo cáo của Chính phủ trong những tháng đầu năm 2016 GDP tăng 5,93% trên kế hoạch năm là 6,7%. Chính phủ đã đặt quyết tâm cao đến cuối năm 2016, GDP đạt từ 6,3 đến 6,5%. Như vậy vẫn không đạt kế hoạch đầu ra từ đầu năm đã xác định là 6,7%. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tăng trưởng nền kinh tế và các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội, gây nhiều khó khăn, kể cả trong điều hành ngân sách quốc gia. Do đó, đại biểu cho rằng, với dự báo tình hình trong năm 2017 sẽ tiếp tục có những khó khăn mà dự kiến Chính phủ vẫn đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6,7% sẽ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Còn theo đại biểu Quốc hội Đỗ Trọng Hưng- tỉnh Thanh Hóa, việc tái cơ cấu nền kinh tế nước ta mới mang lại kết quả bước đầu. Đến nay, về cơ bản chưa đạt mục tiêu theo Nghị quyết 86 của Quốc hội khóa XIII là cuối năm 2015 đảm bảo cơ bản hoàn thành tái cơ cấu kinh tế. Quy mô nền kinh tế của nước ta vẫn còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Huy động vốn đầu tư lớn nhưng hiệu quả thấp, chỉ số ICOR thời kỳ 2011- 2015 là 6,91 trong khi thời kỳ 2001-2005 chỉ là 4,88. Việc tăng trưởng có xu hướng chậm lại, chất lượng tăng trưởng không cao, thiếu bền vững do tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động. Vốn chiếm 72,03%, lao động chiếm 23,69%, chuyển dịch cơ cấu lao động chậm hơn chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Ngoài ra, mục tiêu và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020 là chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng từ dựa vào gia tăng số lượng, các yếu tố đầu vào sang gia tăng các yếu tố đóng góp của khoa học, công nghệ, tổ chức sản xuất. Trong mục tiêu và kế hoạch được xác định, tổng vốn đầu tư toàn xã hội vẫn chiếm từ 32-34% GDP, cơ bản giữ nguyên như năm 2015, chỉ tiêu tăng năng suất lao động từ 0,5-1% trong khi GDP vẫn giữ 6,5-7%/năm. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ hơn cơ sở xác định các mục tiêu này.

Đưa ra những mục tiêu phù hợp với thực lực hơn

Từ những phân tích trên, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị chỉ nên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6 đến 6,5%; đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu đưa ra những mục tiêu phù hợp với thực lực hơn, không đưa ra những mục tiêu quá cao để phấn đấu mà không bao giờ đạt được hay các mục tiêu quá thấp để dễ dàng vượt qua.

Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh đề nghị, trong tình hình hiện nay, để chủ động trong điều hành kinh tế vĩ mô, Quốc hội, Chính phủ cần xác định tăng trưởng GDP trong năm 2017 dao động từ 6,3 % đến 6,7%. Ứng với mỗi chỉ số tăng trưởng tương ứng sẽ có một kịch bản và phương án điều hành kinh tế phù hợp.

Quang Minh - Nguyễn Thảo