Do đó, ghi nhận ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn chỉnh hai kế hoạch này và sẽ tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Đối với Kế hoạch tài chính- ngân sách 3 năm 2018- 2020 sẽ được xây dựng sau khi Quốc hội thông qua Kế hoạch tài chính- ngân sách 5 năm trong thời gian tới.
Về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, nợ công của nước ta trong thời gian từ 2001- 2015 tăng nhanh, tại thời điểm năm 2001 là 36,5%, năm 2005 là 40,8%, năm 2010 là 50%, năm 2015 là 62,2% GDP. Về quy mô, nợ công năm 2015 khoảng 2,608 triệu tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2010, gấp 7,6 lần năm 2015 và gấp 14,8 lần năm 2001. Tốc độ tăng nợ công giai đoạn 2011-2015 bằng 18,4% một năm, cao gấp ba lần tăng trưởng kinh tế giai đoạn hiện nay là 5,91%. Cùng với đó, việc đáo nợ trong năm 2013 là 47 nghìn tỷ, năm 2014 là 106 nghìn tỷ, năm 2015 là 125 nghìn tỷ và năm 2016 là 95 nghìn tỷ. Vì vậy, nhận định về nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn là rất đúng.
Về nguyên nhân của vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, thứ nhất, tăng trưởng kinh tế không đạt theo kế hoạch. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 7- 7,5%. Nhưng ngay sau khi Đại hội, do những nguyên nhân khách quan, đặc biệt sự suy thoái của kinh tế thế giới, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 10/2011/QH13 quyết định tỷ lệ tăng trưởng kinh tế là 6,5- 7% một năm; tỷ lệ huy động thuế, phí vào ngân sách nhà nước không quá 22- 23% một năm; giữ nguyên các chỉ tiêu về an sinh- xã hội như giảm nghèo là 2% một năm, tạo thêm việc làm mới 8 triệu việc làm cho 5 năm theo mục tiêu Đại hội.
Thứ hai, trong thực hiện giá trị GDP đã không đạt theo dự toán, làm cho tỷ lệ nợ công tăng lên như năm 2015 là 0,9% so với GDP dự toán. Năm 2014 cũng tương tự khi không đạt giá trị GDP dự toán là 4,2 triệu tỷ, thực hiện là 3,9 triệu tỷ làm cho nợ công tăng lên từ 54,3% lên 58,5%.
Thứ ba, tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian vừa qua, đặc biệt tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng thương mại, doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu nông nghiệp chưa đạt được theo yêu cầu. Việc điều chỉnh chính sách để giảm thu nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển sản xuất; giá dầu thô giảm; cam kết hội nhập quốc tế giảm; cơ cấu lại nền kinh tế cũng có những cái tích cực nhưng cũng có phần làm giảm thu ngân sách nhà nước.
Việc chi ngân sách nhà nước đã giữ mức chi theo tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm mà Chính phủ trình và Quốc hội đã thông qua. Đặc biệt, việc đảm bảo chi an sinh xã hội, chi giảm nghèo, chi lương trong giai đoạn này tăng, nếu không kể tiền lương tăng đến 18%/1 năm, cao hơn tốc độ tăng thu và cao hơn tốc độ tăng chi. Điều này làm cho cơ cấu chi ngân sách nhà nước, quỹ chi thường xuyên tăng rất nhanh lên đến 67,8%, tăng 8% so với giai đoạn trước. Trong đó tăng chi cho con người tác động đến 7/10 của tăng chi thường xuyên. Cùng với đó là việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng, Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Quốc hội về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo...
Trong giai đoạn này, Chính phủ đã trình với Quốc hội hàng năm phát hành thêm trái phiếu Chính phủ giai đoạn năm 2012- 2014 là 225.000 tỷ, năm 2014- 2016 thêm 170.000 tỷ. Đồng thời, Chính phủ trình Quốc hội tăng tỷ lệ bội chi các năm ở mức cao để tăng nguồn cho đầu tư phát triển. Riêng giai đoạn năm 2011- 2015 dự toán bội chi là 872.000 tỷ đồng, thực tế thực hiện là 1 triệu 027 ngàn tỷ đồng. Riêng về nợ công, số tuyệt đối đã tăng lên 1 triệu 200 ngàn tỷ đồng. Năm 2015 thực hiện Nghị quyết Quốc hội, phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước đã đẩy lên một bước rất tốt, đặc biệt kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Như vậy, nhận định nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn là hoàn toàn chính xác- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Về một số giải pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thứ nhất, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công, quản lý ngân sách; tổng kết đánh giá lại Luật Quản lý nợ công để báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới; rà soát lại chiến lược nợ công cũng như các chính sách về thuế theo Đề án tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đảm bảo an toàn nợ công và trình Bộ Chính trị ban hành theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. Thứ hai, từng bước tiến hành tái cơ cấu nợ công; đẩy mạnh phần nợ trong nước và giảm dần nợ nước ngoài. Hiện nay, nợ trong nước đã lên 57% và nợ nước ngoài là 43%. Tái cơ cấu lại kỳ hạn và lãi suất của nợ công.
Về thời hạn huy động hàng năm, nếu như năm 2011 là 3,91/năm của trái phiếu Chính phủ, năm 2012 là 2,92/năm, năm 2013 là 3,21/năm thì đến giai đoạn năm 2015 đã huy động trong năm đã được 6,98/năm về trái phiếu Chính phủ. 10 tháng năm 2016 đã tăng 8,63/năm của trái phiếu Chính phủ. Danh mục kỳ hạn trái phiếu Chính phủ trong nước, nếu năm 2011 là 3,18/năm, năm 2012 là 2,63/năm, năm 2013 là 2,38/năm thì đến năm 2015 đã đạt được 4,44/năm và đến hết tháng 10 năm 2016 đã được 5,63/năm, gấp đôi của giai đoạn trước. Điều quan trọng hơn nữa là lãi suất huy động, nếu như năm 2011 huy động trái phiếu Chính phủ trong nước với lãi suất là 12,01%/năm, năm 2012 là 9,8%/năm, năm 2013 là 7,79%/năm thì năm 2015 xuống còn 6,28%/năm và năm 2016 là 6,4%/năm. Như vậy, kỳ hạn đã dài ra gần như gấp đôi, lãi suất đã giảm đi gần một nửa. Lãi suất của danh mục trái phiếu năm 2011 là 10,39%, (số nợ cuối năm), năm 2012 là 10,34%, năm 2013 là 9,34% thì đến thời điểm này có 6,83%. Điều này cũng đã tốt so với tình hình tài chính, thị trường tài chính trong nước còn đang còn rất khó khăn- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ.