Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình bổ sung tại Hội trường
Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là lần đầu tiên triển khai thực hiện Luật đầu tư công và tiến hành xây dựng một kế hoạch đầu tư công trung hạn cho cả 5 năm. Đây là một vấn đề khó bởi để thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và các chỉ đạo của Chính phủ, phù hợp với kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm, phù hợp với kế hoạch tái cơ cấu của nền kinh tế; nhu cầu của chúng ta rất lớn, các nhiệm vụ và mục tiêu rất nhiều, trong khi khả năng về ngân sách còn rất hạn hẹp, khả năng huy động các nguồn lực trong xã hội đang còn rất khó khăn.
Về quan điểm xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, một mặt nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng. Mặt khác đầu tư công cũng thực hiện các mục tiêu xã hội, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ miền núi, đồng bào dân tộc các vùng kinh tế khó khăn, đầu tư cơ sở hạ tầng các lĩnh vực. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội còn chiếm tỷ trọng khá lớn và không có khả năng tác động trực tiếp tới tăng trưởng. Để nâng cao hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế thì bên cạnh việc tái cơ cấu đầu tư công trong thời gian vừa qua thì phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa và phải đẩy nhanh quyết liệt kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020 hiện đang trình Quốc hội tại kỳ họp này với nhiều các giải pháp để nâng cao hiệu quả đầu tư nói chung.
Về ý kiến kế hoạch đầu tư công phải được xây dựng trên các quan điểm phù hợp với kế hoạch phát triển 5 năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và gắn với chiến lược nợ công phù hợp với kế hoạch tài chính 5 năm. Đồng thời, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, chú trọng thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác. Có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là trong điều kiện ngân sách khó khăn thì việc lựa chọn mục tiêu, định hướng cấp bách để ưu tiên đầu tư. Khắc phục tình trạng dàn trải là rất cần thiết và cần cơ cấu lại nguồn vốn, tập trung cho các dự án trọng điểm có tính lan tỏa, tác động lớn đến phát triển kinh tế- xã hội của cả nước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ cũng nhất trí với ý kiến trên trong báo cáo và việc dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 lần này đã thực hiện đúng quan điểm nêu trên, thực hiện rõ trong các nguyên tắc xây dựng kế hoạch và phương án phân bổ vốn kế hoạch đầu tư trung hạn.
Về định hướng đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020, có ý kiến cho rằng đang còn dàn trải và nguồn vốn đầu tư cho giao thông đang còn lớn, đặc biệt vốn trái phiếu Chính phủ đang chiếm tỷ trọng lớn. Đối với một số lĩnh vực chưa được quan tâm nhiều như nông nghiệp, y tế, biến đổi khí hậu, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết:
Về định hướng đầu tư trong báo cáo là định hướng đầu tư tất cả các nguồn vốn ngân sách nhà nước bao gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, trái phiếu Chính phủ nên trong báo cáo trình Quốc hội thì phải báo cáo đầy đủ định hướng đầu tư 14 ngành, lĩnh vực đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 1023. Trong dự kiến phương án phân bổ vốn kế hoạch trái phiếu Chính phủ thì dành tỷ trọng lớn cho ngành giao thông vận tải là nhằm thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội theo Nghị quyết 13 của Hội nghị trung ương khóa XI.
Về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020. Bên cạnh đó vẫn giành một tỷ lệ vốn thích đáng để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng một số lĩnh vực khác, như quốc phòng an ninh, nông nghiệp, phát triển nông thôn, ứng phó biến đổi khí hậu, khắc phục tình trạng hạn hán xâm nhập mặn, xây dựng bệnh viện, chương trình kiên cố hóa trường lớp học, di dân và tái định cư dự án thủy điện Sơn La.
Về dự kiến phương án phân bổ vốn trung hạn, có ý kiến đề nghị Chính phủ báo cáo rõ các số liệu, các công trình dự án dở dang thiếu vốn không đưa vào danh mục bố trí giai đoạn này và số còn thiếu đề xuất các phương án xử lý. Về nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn trong khi khả năng còn hạn hẹp, do đó Chính phủ đã báo cáo Quốc hội nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn giai đoạn 2016- 2020 trước hết phải ưu tiên bố trí đủ để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản ứng trước rồi mới đến các dự án chuyển tiếp. Sau khi bố trí đủ vốn cho các dự án nêu trên nếu còn thì mới bố trí khởi công mới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, hiện nay Chính phủ đang giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho các bộ, ngành địa phương dự kiến mức vốn sẽ trình với Quốc hội và dự kiến phương án phân bổ chi tiết. Sau khi có báo cáo của các bộ, ngành trung ương và địa phương thì mới có thể tổng hợp về số dự án chuyển tiếp mà không có khả năng cân đối vốn và giãn, hoãn tiến độ. Chính phủ cũng sẽ báo cáo với Quốc hội về nội dung này sau khi các bộ, ngành trung ương và địa phương báo cáo chính thức về phương án phân bổ chi tiết.
Về ý kiến cần có cơ chế đặc thù ưu tiên cho một số địa bàn trọng điểm như Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Bắc. Trong kế hoạch đã bố trí đầy đủ và đảm bảo nguyên tắc này, cũng ưu tiên từ các nguồn vốn ODA khác như biến đổi khí hậu đối với đồng bằng sông Cửu Long, quốc phòng, an ninh và chính sách an sinh xã hội đối với Tây Bắc, các hệ thống thủy lợi hồ chứa đối với Tây Nguyên.
Riêng về cầu Đại Ngãi, hiện nay Bộ Giao thông vận tải đã và đang làm việc với Nhật Bản để bàn phương án sử dụng ODA của Nhật Bản. Đường nối thành phố Lai Châu với đường cao tốc Hà Nội- Lào Cai có đưa vào dự án của ADB trong thời gian sắp tới để triển khai. Riêng các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù khó khăn, vừa qua Bộ Chính trị đã chỉ đạo và hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng một cơ chế đặc thù đối với các tỉnh này trong thời gian tới sẽ báo cáo Chính phủ và Quốc hội sau.