Trong phiên thảo luận buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận sôi động, thẳng thắn với phần tranh luận trao đổi ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Nội dung về phạm vi sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự 2015 dành được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, đại biểu Bùi Văn Xuyền- Thái Bình cho rằng: Thứ nhất, nên tập trung vào những nội dung để sửa đổi tối đa những nội dung về kỹ thuật đã phát hiện, những nội dung đã rõ ràng không hợp lý và khó áp dụng trên thực tiễn và có thể liên quan đến một số chính sách, từ đó có thể sẽ sửa một số chính sách hình sự nhưng nhỏ thôi. Thứ hai là không làm thay đổi những chính sách mà Bộ luật hình sự Quốc hội khóa XIII đã thông qua. Thứ ba là không nên đặt ra những vấn đề mới dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung các luật khác, rõ ràng nếu bây giờ chúng ta đặt thêm một điều luật vào đây nữa thì phải sửa tất cả các luật khác.
Với quan điểm sửa lại bộ luật là phải góp phần trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm, đại biểu Bùi Văn Xuyền đề nghị Quốc hội nên định hướng để tập trung thảo luận vào những vấn đề còn sai sót, không nên quá cứng nhắc, quá bó hẹp trong 141 nội dung sai sót mà tổ chuyên gia và Chính phủ đã trình, trong quá trình thảo luận và các chuyên gia, các luật sư phát hiện thêm những nội dung gì thấy rõ ràng sai sót thì cần xem xét, tiếp tục sửa nhưng sửa những lỗi kỹ thuật.
Cùng quan điểm phải sửa đổi một cách toàn diện, đại biểu Lê Xuân Thân- Khánh Hòa, đề nghị xem lại toàn bộ các nội dung liên tiếp vì Bộ luật hình sự cấu thành giữa phần chung và phần các tội phạm cụ thể, cho nên tất cả mọi vấn đề đều phải được soi xét.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang- Đắk Nông lại cho rằng chỉ sửa đổi các sai sót về mặt kỹ thuật. Đối với những nội dung liên quan đến chính sách hình sự cần phải có thời gian thi hành để kiểm nghiệm trên thực tế. Từ đó tiến hành tổng kết và kiến nghị sửa đổi bổ sung.
Có chung đề nghị với đại biểu Nguyễn Trường Giang, đại biểu Trần Thị Dung- Điện Biên nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự lần này cần tuân thủ triệt để nguyên tắc đối với các nội dung lớn liên quan đến chính sách hình sự đã được Quốc hội khóa XIII thông qua. Những chính sách hình sự mới chưa được thực tiễn kiểm nghiệm thì không nên sửa đổi, bổ sung. Theo đó chỉ sửa đổi, bổ sung những sai sót rõ ràng về mặt kỹ thuật trong Bộ luật hình sự năm 2015 nhằm bảo đảm hiểu và áp dụng thống nhất nhất là đối với sai sót tại các phần tội phạm cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Chiến- Hà Nội cho rằng vấn đề sai sót cần rà soát sửa đổi của bộ luật nhằm bảo đảm cho các cơ quan tiến hành tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử hiểu thống nhất để áp dụng mà còn phải cho người dân, người phạm tội cũng hiểu được để thực hiện quyền tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa, tránh tình trạng xét xử ở Việt Nam là xét xử sơ thẩm xong đến kháng cáo, kháng nghị, xử đi xử lại là nhiều. Đại biểu kỳ vọng nếu Bộ luật hình sự được thảo luận kỹ lưỡng, sửa đổi bảo đảm minh bạch, rõ ràng sẽ dễ áp dụng, đi vào cuộc sống.
Về vấn đề này, đại biểu Phạm Minh Chính- Quảng Ninh cho rằng việc sửa đổi, bổ sung cần xác định: Một là chỉ sửa đổi những vấn đề sai sót do lỗi kỹ thuật nhưng ảnh hưởng đến nội dung và bản chất của vấn đề. Hai là sửa những quan điểm rõ ràng, bất hợp lý, nếu không sửa thì không thi hành, không chấp nhận được. Ba là quy định bổ sung một số vấn đề mới phát sinh, như vấn đề ma túy, hay cây có chứa chất ma túy, liên quan đến ma túy hiện nay còn nhiều ý kiến khác nhau. Đặc biệt chú ý tính liên thông và tổng thể với 3 bộ luật phải lùi lại cùng với Bộ luật hình sự năm 2015, đó là Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.
Kết luận phiên thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định phạm vi sửa đổi là vấn đề quan trọng nhất. Vì vậy cần phải xác định rõ ba vấn đề cụ thể: là chỉ sửa các lỗi kỹ thuật và những lỗi này liên quan đến nội dung và việc áp dụng thống nhất pháp luật là phải sửa; sửa những nội dung rõ ràng có sai không sửa không được, bất hợp lý và có sự thống nhất, đồng thuận cao giữa các cơ quan ở đây; và bổ sung những vấn đề mới cần thiết để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo đảm tính thống nhất của các văn bản pháp luật.