ĐBQH Trịnh Ngọc Phương- Tây Ninh: Quy định hình thức hành nghề đấu giá viên chưa chặt chẽ, đầy đủ và bao quát

26/10/2016

Sáng 24/10, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật đấu giá tài sản, đại biểu Trịnh Ngọc Phương- Tây Ninh cho rằng, hình thức hành nghề đấu giá viên theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 của dự thảo chưa chặt chẽ, đầy đủ và bao quát.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương phát biểu tại Hội trường                                 Ảnh: Đình Nam

Theo đại biểu Trịnh Ngọc Phương, về hình thức hành nghề đấu giá viên theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 của dự thảo Luật quy định "Đấu giá viên được hành nghề theo các hình thức: a. Hành nghề tại trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản; b. Hành nghề tại doanh nghiệp đấu giá tài sản".

Đại biểu cho rằng, quy định như trên là chưa chặt chẽ, đầy đủ và bao quát hết. Bởi vì, theo quy định tại Điều 2 dự thảo Luật thì tổ chức đấu giá tài sản bao gồm là tổ chức đấu giá tài sản, hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, theo Khoản 1, Điều 18 dự thảo chỉ có 2 tổ chức là Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và doanh nghiệp đấu giá tài sản là nơi đấu giá viên được hành nghề nhưng tại Khoản 2, Điều 65 của dự thảo lại quy định tổ chức mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng có các quyền như ký hợp đồng lao động với đấu giá viên hành nghề tại tổ chức, cử đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá. Phân công đấu giá viên hướng dẫn tập sự hành nghề đấu giá.

Theo đó tại Khoản 3, Điều 60 cũng quy định Hội đồng đấu giá tài sản gồm 3 thành viên trở lên, Chủ tịch hội đồng là người có tài sản đấu giá hoặc người được ủy quyền. Thành viên của Hội đồng là đại diện cơ quan tài chính, cơ quan tư pháp cùng cấp, đại diện cơ quan tổ chức có liên quan và đấu giá viên. Như vậy, đấu giá viên không chỉ giới hạn hành nghề tại các tổ chức như quy định tại Khoản 1, Điều 18 mà còn hành nghề tại Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ cho Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng. Do vậy, quy định tại Khoản 1, Điều 18 khập khiễng và trước sau bất nhất với Điều 60 và Điều 65 của dự thảo.

Thứ hai, tại Khoản 3, Điều 18 quy định việc hành nghề của đấu giá viên quy định tại Điểm b, Khoản 1 điều này được thông qua việc thành lập, hoặc tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp đấu giá tài sản. Mỗi đấu giá viên chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một doanh nghiệp đấu giá tài sản hoặc ký hợp đồng lao động với một doanh nghiệp đấu giá tài sản theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 1, Điều 23 của dự thảo, doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập và tổ chức hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh theo quy định của luật này và luật liên quan. Như vậy, đối với công ty hợp danh thì đấu giá viên chỉ được tham gia thành lập mới, nếu công ty đấu giá hợp danh đã hình thành về mặt pháp lý hoặc đã đi vào hoạt động thì loại công ty này không được kết nạp thêm thành viên mới. Đấu giá viên muốn tham gia vào làm thành viên mới với tư cách hợp danh là không thể được.

Trong trường hợp này, đấu giá viên chỉ còn cách lựa chọn đó là tự mình thành lập doanh nghiệp mới cho đúng với Luật đấu giá tài sản. Đại biểu nhấn mạnh, ngoài hoạt động nghề nghiệp thì đấu giá viên còn thực hiện việc tự do kinh doanh trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện. Khi điều kiện đáp ứng thì quyền kinh doanh không bị hạn chế tại Điều 33 của Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Khoản 1, Điều 35 Hiến pháp cũng quy định: Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề, nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Với quy định như Khoản 3, Điều 18 của dự thảo thì coi như đã cấm đấu giá viên là thành viên mới của công ty đấu giá hợp danh. Quy định này không chỉ trái với Hiến pháp mà còn trái với doanh nghiệp.

Vân Ngọc lược ghi