Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề nghị được tiếp tục hoàn chỉnh dự án Luật về hội để trình Quốc hội trong kỳ họp sau

25/10/2016

Chiều 25/10, tại Hội trường Diên Hồng- Nhà Quốc hội, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật về hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã bày tỏ ghi nhận các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội; khẳng định sẽ cùng với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo và mong muốn được trình trong kỳ họp sau.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình dự án Luật về hội trước Quốc hội                       Ảnh: Đình Nam

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo ghi nhận 49 ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu rõ, thứ nhất, phần lớn ý kiến đồng tình cần có một luật về hội để tạo môi trường hoạt động thuận lợi tốt hơn, nhất là thực hiện được quyền cơ bản của công dân được thành lập hội theo Hiến pháp đã quy định.

Thứ hai, nhiều nội dung trong dự thảo Luật đã được các đại biểu phát biểu thể hiện chính kiến rất rõ ràng, đầy đủ hoặc có đề nghị sửa đổi, bổ sung, đề nghị bỏ cho phù hợp với xu hướng phát triển và các quy định trong hội nhập quốc tế. Tạo điều kiện thực tiễn hoạt động cho hội ở Việt Nam tốt hơn. Ban soạn thảo xin ghi nhận ý kiến của tất cả các vị đại biểu.

Thứ ba, các ý kiến của các vị đại biểu góp ý cho dự thảo Luật về hội là xác đáng, đúng thực tiễn, phù hợp với xu hướng phát triển chung của đất nước, nhất là trong thời kỳ chúng ta thực hiện hội nhập. Với xu hướng mong muốn mở ra, tạo mọi điều kiện tốt hơn cho hội hoạt động theo khuôn khổ của pháp luật và theo Hiến pháp năm 2013, cơ quan soạn thảo xin ghi nhận và tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, cùng với cơ quan thẩm tra sẽ tổng hợp đầy đủ và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng trong dự thảo luật mà các đại biểu quan tâm.

Thứ tư, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu và tổng kết những vấn đề mà các đại biểu còn băn khoăn trong dự thảo Luật, làm rõ thêm các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ quy định như kèm theo các Nghị định của Chính phủ quy định.

Thứ năm, còn nhiều ý kiến chưa có sự đồng tình cao và có khác nhau trong thảo luận cũng như những ý kiến khác trong dự thảo, đặc biệt là những vấn đề quan trọng từ Điều 4 cho đến Điều 12 của dự thảo Luật. Do việc chuẩn bị chưa được chu đáo, đầy đủ về các cơ sở dữ liệu cho các đại biểu tham khảo nên cơ quan soạn thảo đề nghị cần phải có thời gian để tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội đối với các đối tượng được điều chỉnh theo luật, nhất là đối với các đại biểu Quốc hội. Đề nghị chủ toạ kỳ họp và Quốc hội xem xét để Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu cho thật chu đáo, đầy đủ và tạo sự đồng thuận cao thì mới thông qua Luật về hội.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, sau phiên họp này, Ban soạn thảo xin ghi nhận thêm ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội chưa có điều kiện phát biểu tại hội trường; sẽ cùng với đơn vị kiểm tra, giám sát, cơ quan Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục để hoàn chỉnh dự thảo để trình trong kỳ họp sau.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là một dự án luật rất quan trọng nhưng cũng rất khó, rất phức tạp và cũng có phần nhạy cảm, dự án Luật cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri và của đại biểu Quốc hội. Trong ngày hôm nay, có đến 60 vị đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu ý kiến nhưng chỉ có mới 49 vị đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, còn 11 vị đại biểu Quốc hội chưa phát biểu ý kiến do điều kiện thời gian.

Sau phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đầy đủ của các vị đại biểu Quốc hội cũng như ý kiến tham gia đóng góp ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan gửi đến cho Ủy ban thường vụ Quốc hội trong quá trình chuẩn bị xây dựng dự án luật này. Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ có văn bản báo cáo trước Quốc hội trong phiên họp tới đây với tinh thần phải chuẩn bị có một luật tốt về hội, bảo đảm chất lượng, bảo đảm quyền lập hội của công dân và yêu cầu quản lý nhà nước.

Quang Minh - Nguyễn Thảo