Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường thẩm tra dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi)

20/10/2016

Chiều 20/10, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiến hành phiên toàn thể lần thứ ba để thẩm tra dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghê Chu Ngọc Anh đồng chủ trì phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại phiên họp

Tham dự phiên họp còn có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phùng Đức Tiến; đại diện thường trực Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XIV.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật chuyển giao công nghệ 2006 đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ trong nước, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất và đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên, đến nay bối cảnh phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi, buộc phải rà soát nội dung của Luật để có điều chỉnh phù hợp, đáp ứng kịp thời các yêu cầu mới phát sinh từ thực tiễn. Thực tế Luật chuyển giao công nghệ đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập như quy định không bắt buộc đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp công nghệ thuộc danh mục hạn chế chuyển giao, đã tạo môi trường thực sự tự do cho các doanh nghiệp trong giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, mặt trái của quy định này là Nhà nước không có công cụ pháp lý để kiểm soát được các luồng công nghệ lạc hậu du nhập vào Việt Nam cũng như hành vi chuyển giá thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ.

Quản lý công nghệ và chuyển giao công nghệ trong các dự án đầu tư chưa được quy định đầy đủ tại Luật Chuyển giao công nghệ. Do đó, cần bổ sung quy định về thẩm định, kiểm tra, giám sát công nghệ trong các dự án đầu tư nhằm ngăn ngừa công nghệ lạc hậu, tác động xấu đến môi trường du nhập vào Việt Nam. Quy định về các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy chuyển giao công nghệ còn dừng ở mức các tuyên bố chung của Nhà nước, một số đã lạc hậu với thực tiễn hoặc bị vô hiệu hóa bởi các đạo luật mới ban hành quy định các vấn đề liên quan; vì vậy, chưa mang lại tác động chính sách cụ thể đối với đời sống kinh tế- xã hội.

Bộ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại phiên họp

Những hạn chế, bất cập nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực và hiệu quả của Luật Chuyển giao công nghệ, chưa thực sự tạo môi trường pháp lý thuận lợi và phù hợp thúc đẩy hoạt động đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững trong bối cảnh mới. Do vậy, việc xây dựng Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) là rất cần thiết.

Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) gồm 7 chương, 62 điều, trong đó sửa đổi 30/61 điều, bổ sung 02 điều mới và bỏ 01 điều, tập trung vào một số vấn đề gồm: Thứ nhất,  phát triển thị trường khoa học và công nghệ; Thứ hai, thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Thứ ba, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; Thứ tư, tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ; và Thứ năm, cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thúc đẩy hoạt động chuyển giao, thương mại hóa, ứng dụng và đổi mới công nghệ.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) của thường trực Ủy ban, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ là vấn đề rất quan trọng với vị thế của quốc gia. Tuy nhiên, tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp thời gian qua rất thấp, chưa đạt như mong muốn (10%/năm), một số ngành, lĩnh vực như các nhà máy nhiệt điện, luyện cán thép, khai khoáng... vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu. Chuyển giao công nghệ chủ yếu thông qua mua máy móc, thiết bị nhưng đã lạc hậu 2-3 thế hệ; chuyển giao công nghệ không đi kèm với giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế và khả năng làm chủ công nghệ của Việt Nam.

Do đó, rất cần thiết phải sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ; coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của nền kinh tế và bảo vệ môi trường; hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong nước; kiểm soát chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu; tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thể giới; đồng thời kiểm soát và từng bước chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài.

Thảo luận tại phiên họp đa số ý kiến các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành và các nội dung chính của dự thảo Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban soạn thảo và cho rằng dự án Luật đủ điều kiện để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 2.

Các đại biểu cho rằng việc bổ sung các quy định như Điều 12 về việc phải thẩm định công nghệ đối với Dự án đầu tư có sử dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường khi xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Luật đầu tư là cần thiết. Tuy nhiên, thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định phải thẩm định công nghệ, kiểm tra, giám sát việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong quá trình triển khai, thực hiện đối với tất cả các dự án, đặc biệt là các dự án FDI.

Thực tế thời gian qua, công tác quản lý công nghệ nhập khẩu vào nước ta chưa chặt chẽ, thiếu sự phối hợp dẫn đến tình trạng công nghệ lạc hậu, gây tác động xấu đến môi trường được nhập khẩu vào nước ta. Trong khi đó, Luật chuyển giao công nghệ 2006 chưa quy định đầy đủ về quản lý công nghệ và chuyển giao công nghệ trong các dự án đầu tư, còn Luật đầu tư mới chỉ giới hạn đối tượng kiểm soát đối với các dự án đầu tư sử dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao.

Bên cạnh các ý kiến nhất trí với việc cần đánh giá, định giá và giám định công nghệ để kiểm soát chất lượng công nghệ trong quá trình chuyển giao công nghệ, ngăn ngừa chuyển giá, trốn thuế trong chuyển giao công nghệ, cũng có ý kiến đề nghị phải đẩy mạnh việc xã hội hóa, thu hút các hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học trong các ngành, lĩnh vực tham gia vào hoạt động đánh giá, định giá và giám định công nghệ.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, Ban soạn thảo trong thời gian ngắn đã rà soát toàn diện và hoàn thiện dự thảo Luật nâng từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ thành Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); cho rằng dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2. Ghi nhận các ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo xây dựng văn bản dự kiến tiếp thu để trình Quốc hội đồng thời với hồ sơ dự án Luật.

Tin và ảnh: Bảo Yến