Kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm trong đầu tư công

20/10/2016

Chiều 20/10, tiếp tục chương trình ngày làm việc đầu tiên ky họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo                              Ảnh: Đình Nam

Lần đầu tiên chuyển sang xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là lần đầu tiên trong việc lập kế hoạch, chúng ta khắc phục tình trạng kế hoạch đầu tư công bị cắt khúc ra từng năm, chuyển sang xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm và chuyển từ cân đối vốn hằng năm sang cân đối trung hạn 5 năm cả ở tầm quốc gia và các cấp chính quyền địa phương. Đây cũng là lần đầu tiên có thể tổng hợp được bức tranh toàn cảnh về đầu tư công và cân đối ngân sách nhà nước trong 5 năm, đổi mới căn bản phương thức phân bổ kế hoạch đầu tư công. Nhờ đó, việc phân bổ kế hoạch vốn trung hạn bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất, tăng cường phân cấp, tăng quyền chủ động, tự chủ cho các cấp, các ngành để thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển của ngành mình, cấp mình trong tổng thể Chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Trong phương án phân bổ vốn cụ thể, ngân sách Nhà nước đã bố trí đủ vốn cho 02 Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững, vốn đối ứng các Chương trình, dự án ODA, bố trí vốn hoàn thành nhiều dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế có ý nghĩa lớn đến phát triển kinh tế xã hội của các ngành, các vùng miền và cả nước, ưu tiên đầu tư để thực hiện các dự án  phục vụ nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; đầu tư xây dựng các bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện khu vực, tuyến tỉnh, phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; đầu tư các dự án trọng điểm về ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, hạn hán, sạt lở bờ biển, xâm nhập mặn bảo đảm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; thanh toán hết số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách trung ương đến ngày 31/12 /2014 và thu hồi cơ bản số vốn ứng trước kế hoạch. Sau năm 2020, nếu các bộ, ngành trung ương và địa phương thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư công sẽ không còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.

Song bên cạnh đó, do cân đối ngân sách Nhà nước còn khó khăn, nhu cầu chi thường xuyên lớn, nên khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư ngân sách Nhà nước còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 25% tổng chi ngân sách nhà nước, thấp hơn so với giai đoạn trước. Kế hoạch 2016- 2020 chỉ bố trí được khoảng 40% vốn ngân sách trung ương cho 21 chương trình mục tiêu đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 73/NQ- CP ngày 3 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ. Còn nhiều dự án cấp bách, trọng điểm chưa cân đối được vốn kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 do khả năng cân đối nguồn vốn hạn hẹp.

Phân bổ vốn phải đúng đối tượng, phù hợp với nguồn lực tài chính

Theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến tổng số và cơ cấu vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 là 2.000 nghìn tỷ đồng, gồm: vốn ngân sách trung ương: 1.120 nghìn tỷ đồng, bao gồm: vốn nước ngoài: 300 nghìn tỷ đồng; vốn trong nước: 820 nghìn tỷ đồng  (trong đó: vốn trái phiếu Chính phủ 260 nghìn tỷ đồng, tiền bán vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp là 250 nghìn tỷ đồng); vốn cân đối ngân sách địa phương: 880 nghìn tỷ đồng, bao gồm: vốn phân bổ theo tiêu chí, định mức: 457,245 nghìn tỷ đồng; nguồn thu sử dụng đất 200 nghìn tỷ đồng; xổ số kiến thiết 117 nghìn tỷ đồng; bội chi ngân sách địa phương và dự phòng chưa phân bổ: 105,755 nghìn tỷ đồng.

Việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước phải phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2011- 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016-2020 của Quốc gia, của các ngành, lĩnh vực, địa phương, các quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

hủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách của Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra

Ủy ban Tài chính ngân sách cơ bản tán thành với một số nguyên tắc, tiêu chí cơ bản thể hiện trong Báo cáo của Chính phủ, song theo Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách của Nguyễn Đức Hải, trong phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chính phủ cần nhấn mạnh và quán triệt một số nguyên tắc phân bổ vốn phải đúng đối tượng, phù hợp với nguồn lực tài chính, khả năng cân đối từ nguồn ngân sách Nhà nước. Hệ thống tiêu chí phải cụ thể, công khai, minh bạch, hợp lý. Đặc biệt, lưu ý Chính phủ không bố vốn để thanh toán các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh sau ngày 31/12/2014. Việc sử dụng vốn đầu tư phải hiệu quả, tiết kiệm, giữ vững an ninh tài chính quốc gia, không ảnh hưởng đến mục tiêu giảm bội chi ngân sách Nhà nước đến năm 2020 dưới 4% GDP.

Đồng thời, cần ưu tiên bố trí vốn hợp lý cho miền núi, các tỉnh phía Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn nhằm thu hẹp khoảng cách vùng, miền, kết hợp phát triển kinh tế với giữ vững an ninh, quốc phòng; ưu tiên bố trí vốn để ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Chú trọng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tăng cường trách nhiệm cá nhân, có biện pháp kiểm soát, chế tài xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Báo cáo rõ số lượng các công trình, dự án dở dang, thiếu vốn, không được đưa vào danh mục bố trí

Trình bày Báo cáo thẩm tra về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 -2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung  hạn phải phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016- 2020, chiến lược phát triển của từng ngành, lĩnh vực, địa phương; phải gắn với Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, phù hợp với kế hoạch tài chính 5 năm và định hướng phát triển theo Nghị quyết của Đại hội Đảng XII; gắn với việc đổi mới mô hình tăng trưởng trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII; phải thể hiện rõ chủ trương tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công. Đồng thời, cần tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản liên quan; khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém trong quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư công giai đoạn 2011-2015; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, giảm chỉ số ICOR so với giai đoạn trước.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước và thực trạng nợ công hiện nay, việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn phải phù hợp với khả năng cân đối từ nguồn ngân sách Nhà nước, chú trọng thu hút vốn từ các thành phần kinh tế khác, dự báo chính xác tác động của kinh tế thế giới liên quan đến khả năng huy động nguồn vốn nước ngoài, bảo đảm các cân đối vĩ mô, đặc biệt phải giữ vững an toàn nợ công, giảm bội chi ngân sách. Kế hoạch đầu tư công phải có trọng tâm, trọng điểm đặc biệt, trong điều kiện ngân sách khó khăn, việc lựa chọn mục tiêu, định hướng cấp bách để ưu tiên đầu tư, khắc phục tình trạng dàn trải là rất cần thiết. Cần cơ cấu lại nguồn vốn, tập trung cho các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa, tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.

Đối với phương án phân bổ, tổng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 là 2.000 nghìn tỷ đồng, giảm 106 nghìn tỷ đồng so với phương án đã báo cáo Ban chấp hành Trung ương và Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3/2016. Dự kiến vốn ngân sách trung ương: 1.120 nghìn tỷ đồng, trong đó: dự phòng (chưa phân bổ) 112 nghìn tỷ đồng, bằng 10% tổng số vốn ngân sách trung ương để xử lý các vấn đề phát sinh theo quy định của Luật Đầu tư công. Vốn trái phiếu Chính phủ: 200 nghìn tỷ đồng (không bao gồm 60 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 chuyển sang).Vốn đầu tư cân đối ngân sách địa phương: 880 nghìn tỷ đồng.

Với dự kiến này, tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giao địa phương quản lý sử dụng (bao gồm vốn cân đối ngân sách địa phương và vốn bổ sung của ngân sách trung ương cho địa phương) là 1.305.594,935 tỷ đồng, chiếm 65,3% tổng vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó,: vốn trong nước là 1.214.537,086 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 91.057,848 tỷ đồng. Chi tiết theo vùng, đó là: vùng trung du và miền núi chiếm 13,6% tổng vốn đầu tư của các địa phương; vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm 24,9%; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung chiếm 18,8%; vùng Tây Nguyên chiếm 5%; vùng Đông Nam Bộ chiếm 21,1%; vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 16,7%.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV

Về phương án phân bổ vốn trong nước, Chính phủ dự kiến số vốn còn lại (254,915 nghìn tỷ đồng) sau khi phân bổ cho Chương trình mục tiêu quốc gia, một số nhiệm vụ cấp bách sẽ đầu tư cho các bộ, ngành trung ương và 21 Chương trình mục tiêu. Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, tổng vốn đầu tư hiện chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thực tế. Do đó, đề nghị Chính phủ cần Báo cáo rõ số lượng các công trình, dự án dở dang, thiếu vốn, không được đưa vào danh mục bố trí vốn giai đoạn 2016-2020; số vốn còn thiếu, đề xuất phương án xử lý đối với số dự án này. Đồn thời, giải trình rõ sự chênh lệch về mức vốn dự kiến bố trí giữa các địa phương. Dự kiến danh mục phân bổ cụ thể cho từng dự án đối với phần vốn này.

Đối với một số dự án trọng điểm, nguồn lực đầu tư lớn như dự án đường cao tốc Bắc-Nam (tuyến phía Đông), Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, đây là dự án có quy mô rất lớn, tác động mang tính vùng, miền, huy động nguồn lực lớn, phạm vi giải phóng mặt bằng rộng, là công trình trọng điểm quốc gia. Do đó, để bảo đảm chặt chẽ trong việc sử dụng nguồn lực, đúng thẩm quyền theo Luật Đầu tư công, đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư riêng đối với Dự án này tại kỳ họp gần nhất.  Với một số dự án khác (Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, Dự án chống ngập thành phố Hồ Chí Minh,...), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ rà soát, đối chiếu với các quy định hiện hành về điều kiện, tiêu chí dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Trong trường hợp đáp ứng đầy đủ các tiêu chí là dự án trọng điểm quốc gia theo quy định, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư riêng đối với từng dự án.

Kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm trong đầu tư công

Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản tán thành với các giải pháp đã được thể hiện trong Báo cáo song đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các sai phạm trong đầu tư công. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kỷ luật tài chính; thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, bảo đảm không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản sau ngày 31/12/2014, trường hợp còn nợ đọng xảy ra thì người quyết định, cấp quyết định phải chịu trách nhiệm; khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2011-2015 trong đó có nợ vốn ứng trước, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án.

Đặc biệt, trong bối cảnh nợ công tăng nhanh, tiệm cận với ngưỡng cho phép, có nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia và tình hình giải ngân vốn vay còn nổi lên nhiều bất cập, hạn chế, cần thắt chặt và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đối với việc huy động, quản lý, sử dụng vốn vay. Quán triệt trật tự ưu tiên trong phân bổ vốn, phân loại các dự án, trong đó có những dự án phải tạm dừng, đồng thời chú trọng việc xác định điểm dừng kỹ thuật hợp lý. Tăng cường trách nhiệm của Chính phủ, trách nhiệm cá nhân trong quyết định và quản lý đầu tư phát triển.

Thanh Tú- Vân Ngọc