Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại Cà Mau

10/12/2009

Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, ngày 8 - 9.12, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Phó trưởng tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI Nguyễn Phú Trọng đã về thăm và làm việc tại tỉnh Cà Mau nghiên cứu tình hình thực tiễn, phục vụ cho việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sắp tới.

  

 

Tham dự Đoàn Công tác có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy viên thường trực Tiểu ban Ngô Văn Dụ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban tổ chức Trung ương Nguyễn Hoàng Việt... 

 

Báo cáo với Chủ tịch QH và Đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tuấn Khanh cho biết, quán triệt Cương lĩnh năm 1991 về phát triển nông – ngư – lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình của tỉnh. Từ năm 2001, tỉnh đã chủ trương và được Chính phủ cho phép chuyển đổi hơn 160 ngàn ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, góp phần chuyển Cà Mau từ một tỉnh thuần nông, trình độ sản xuất lạc hậu, năng suất, hiệu quả thấp trở thành tỉnh trọng điểm về nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản, tạo điều kiện để các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Kinh tế nhà nước được sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và vẫn giữ được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Kinh tế tư nhân, kinh tế hộ phát triển nhanh với quy mô ngày càng lớn. Đến nay, Cà Mau đã có gần 3.500 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 11 ngàn tỷ đồng; trên 28 ngàn hộ đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký trên 1.100 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh đã giảm xuống còn 8%; lao động qua đào tạo tăng từ 10% lên 30%...

 

Ban thường vụ Tỉnh ủy khẳng định, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hơn 20 năm qua đã tác động mạnh mẽ, làm chuyển biến rõ nét tình hình trong tỉnh. Đặc biệt là những chủ trương, chính sách về CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn; về chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp; về đẩy mạnh hội nhập kinh tế thế giới; về chiến lược biển, xác định Cà Mau là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của đồng bằng sông sông Cửu Long. Một số dự án quan trọng của Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh đã tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển KT – XH của tỉnh như: Cụm công nghiệp Khí – điện – đạm Cà Mau; đường Hồ Chí Minh nối dài đến Đất Mũi...

 

Tuy nhiên, Ban thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau cũng nhận thức rõ: kinh tế của tỉnh tuy đạt tốc độ tăng trưởng cao, nhưng do xuất phát điểm thấp nên chất lượng phát triển còn hạn chế, chưa bền vững. Mặt bằng kinh tế của tỉnh còn thấp so với mức bình quân chung của cả nước. Tỉnh chưa thu hút được nhiều dự án, nhà đầu tư nước ngoài, tỷ trọng kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài còn nhỏ bé...

 

Ban thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau kiến nghị: cần tiếp tục khẳng định chủ trương phát triển nước ta thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững định hướng XHCN. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế định hướng đi lên XHCN; phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân và nông thôn...

 

Phát biểu tại cuộc làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những ý kiến, kiến nghị của Ban thường vụ tỉnh ủy Cà Mau và cho rằng, những ý kiến, kiến nghị đó giúp Đoàn Công tác hiểu thêm cũng như tiếp thu được nhiều vấn đề trong thực tiễn, tiếp tục chuẩn bị tốt các Văn kiện trình Đại hội Đảng sắp tới. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng ghi nhận những thành tựu mà Cà Mau đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là từ một tỉnh thuần nông, trình độ sản xuất lạc hậu Cà Mau đã trở thành tỉnh trọng điểm trong nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản. Cà Mau đã tích cực và có ý thức trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội trên địa bàn; chăm lo các vấn đề xã hội, quan tâm đến các gia đình có công với cách mạng, gia đình nghèo, khó khăn trên địa bàn; có ý thức tăng cường, củng cố đổi mới hệ thống chính trị, đặc biệt là đổi mới phương thức, lề lối làm việc.

 

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng tâm đắc với việc cán bộ, lãnh đạo của địa phương đã dành nhiều thời gian xuống cơ sở, lắng nghe, kiểm tra và giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra ở cơ sở. Điều này đã tạo ra hiệu quả trông thấy là: tạo sự đồng thuận ngày càng cao trong nhân dân tỉnh Cà Mau đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, Cà Mau còn kết hợp được sức mạnh của địa phương với Trung ương, tích cực và chủ động tranh thủ sự giúp đỡ, đầu tư của Trung ương vào việc phát triển KT – XH của địa phương. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: tất cả những thành tích đó đã chứng tỏ tư tưởng, quan điểm của Cương lĩnh năm 1991; đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đã vào cuộc sống, biến thành hiện thực sinh động ở một vùng đất xa xôi, nhiều khó khăn ở cực Nam của Tổ quốc. Đây là thực tiễn sinh động nói lên giá trị chỉ đạo to lớn của Cương lĩnh, tính tư tưởng, tính quan điểm rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong những năm qua.

 

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng gợi mở: với nhiều điểm đặc thù và lợi thế như 3 mặt giáp biển với bờ biển dài 254 km, ngư trường rộng... Cà Mau có thể nghiên cứu, thảo luận và hoạch định một chiến lược phát triển lâu dài là đưa Cà Mau trở thành vùng sản xuất lớn chuyên canh về nuôi trồng, chế biến thủy sản của cả nước hay không? Với sự phát triển nhiều thành phần kinh tế trong thời gian qua, nên chăng Cà Mau cần đánh giá khách quan, thực chất hơn về vai trò của các thành phần kinh tế đối với sự phát triển của địa phương? Đồng thời, cần tiếp tục đi sâu đánh giá về chất lượng đội ngũ cán bộ. Thực tiễn cho thấy, có vốn, có hạ tầng, nhưng nếu không có nguồn nhân lực thì cũng khó trong triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ đã đề ra. Cà Mau cũng cần đánh giá sâu sắc hơn thực trạng và tình hình các cơ sở đảng, nhất là cơ sở đảng ở các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp sau cổ phần hóa... Từ đó tiếp tục kiến nghị các giải pháp đóng góp cho Trung ương.

 

Trong thời gian thăm và làm việc tại Cà Mau, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm cán bộ, chiến sỹ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau; thăm và tìm hiểu thực tiễn phát triển KT- XH và công tác xây dựng Đảng tại xã Đất Mũi, Ngọc Hiển; Cụm công nghiệp Khí – điện – đạm Cà Mau; Công ty cổ phần thực phẩm Đại Dương và Công ty cổ phần thương nghiệp Cà Mau; Thăm và tặng quà các gia đình chính sách và cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 680 đóng trên địa bàn xã Đất Mũi; thăm gia đình thương binh Cao Thị Nghĩa và Anh hùng LLVTND Đặng Tấn Triệåu ởã TP Cà Mau.

 

Nói chuyện với cán bộ, nhân dân xã Đất Mũi và chiến sỹ Đồn biên phòng 680, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh những thành tựu mà cán bộ, nhân dân và chiến sỹ Đất Mũi đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là những cố gắng trong phát triển loại hình kinh tế hợp tác. Đây là loại hình kinh tế mới đối với người dân nơi đây, nhưng bước đầu đã cho thấy hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng hướng ngư nghiệp, lâm nghiệp và dịch vụ, du lịch. Đến nay, toàn huyện Ngọc Hiển hiện có 29 hợp tác xã, 43 tổ hợp tác và 527 hộ có quy mô kinh tế trang trại hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt thủy sản kết hợp trồng rừng.

 

Tại cuộc làm việc với Công ty cổ phần thực phẩm Đại Dương, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác đã nghe, trao đổi về tình hình sản xuất kinh doanh, thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước; thực tiễn xây dựng, duy trì mối quan hệ giữa người sản xuất và người cung cấp nguyên liệu sản xuất; đặc biệt là công tác xây dựng và phát triển Đảng trong doanh nghiệp tư nhân... Công ty cổ phần thực phẩm Đại Dương được thành lập năm 2006 với ngành nghề chủ yếu là kinh doanh, chế biến, gia công và xuất nhập khẩu hàng thủy hải sản, nông sản. Đại diện Lãnh đạo Công ty khẳng định, để đạt được những kết quả sản xuất kinh doanh như trên, trước hết là nhờ chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, cụ thể là chủ trương phát triển mạnh tất cả các thành phần kinh tế, tạo động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển. Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Trong 2 nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc gần đây, Đảng đã khẳng định kinh tế tư nhân là một trong những động lực để phát triển kinh tế, là vấn đề có tính chiến lược lâu dài. Thực tế cho thấy ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân làm ăn có hiệu quả, đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước. Từ thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác xây dựng Đảng tại Công ty, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng lưu ý, Công ty cần nghiên cứu, tính toán kỹ mối quan hệ giữa vai trò lãnh đạo của Chi bộ Đảng, vai trò của tổ chức Công đoàn và Đoàn thanh niên với việc phát triển sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống cho người lao động. Đảng chủ trương tất cả các thành phần kinh tế cùng phát triển, nhưng phải là phát triển hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; là phát triển kinh tế theo định hướng XHCN, là lợi ích của người lao động được bảm đảm. Đảng lãnh đạo, nhưng Đảng không làm thay. Đối với các doanh nghiệp tư nhân, tổ chức Đảng lãnh đạo chung các đảng viên và thông qua các đảng viên tác động tới quần chúng, bảo đảm đường lối, chính sách của Đảng thâm nhập vào doanh nghiệp; làm tốt công tác tư tưởng, bảo đảm doanh nghiệp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sản xuất kinh doanh...

T. Tâm

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác