Văn phòng Quốc hội là cơ quan giúp việc của Quốc hội, có chức năng nghiên cứu, tham mưu tổng hợp và tổ chức phục vụ các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội; các hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội.
Hiện Văn phòng Quốc hội có 22 Vụ, Cục, đơn vị tương đương và 2 đơn vị cấp phòng trực thuộc lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và 4 đơn vị sự nghiệp ( Báo Đại biểu nhân dân, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Nhà khách 27A Trần Hưng Đạo, Nhà khách 165 Nam Kỳ Khởi Nghĩa) với hơn 800 cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan. Trong điều kiện trụ sở làm việc chưa ổn định, phải đi mượn và làm việc ở nhiều địa điểm khác nhau làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện nhiệm vụ và triển khai công tác thi đua, khen thưởng. Tuy vậy, phát huy truyền thống 60 năm xây dựng và trưởng thành, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức trong cơ quan, trong những năm qua công tác thi đua, khen thưởng của Văn phòng Quốc hội có những chuyển biến tích cực cả bề nổi lẫn chiều sâu; các phong trào thi đua đã thể hiện đa dạng về hình thức, các nội dung thi đua đã gắn với nhiệm vụ chuyên môn, trình độ cán bộ, công chức, viên chức và điều kiện thực tế của cơ quan.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt tổ chức triển khai, thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW của Bộ Chính trị.
Để phong trào thi đua thực sự trở thành động lực và là biện pháp quan trọng, thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đòi hỏi phải có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng.
Nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng, lãnh đạo Văn phòng đã ban hành những văn bản hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời nhằm triển khai nghiêm túc các chủ trương, chính sách về thi đua, khen thưởng thể hiện bằng việc ban hành Quy định, Quy chế hướng dẫn thi đua, khen thưởng tại cơ quan Văn phòng Quốc hội, đó chính là cơ sở pháp lý để các Vụ, Cục, đơn vị, các cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, lãnh đạo cơ quan thường xuyên quán triệt Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị trong các nội dung giao ước thi đua hàng năm, các phong trào thi đua. Chính nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nên công tác thi đua, khen thưởng tại cơ quan từng bước đi vào nền nếp, việc bình xét thi đua luôn kịp thời, đúng người, đúng thành tích, không phô trương, hình thức, các phong trào thi đua ngày càng thiết thực, đảm bảo về chất lượng và nội dung.
Công tác kiểm tra, đôn đốc cũng được coi trọng, thông qua đó nhằm nhắc nhở các đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc và động viên biểu dương những tập thể và cá nhân tiêu biểu.
Kết quả thực hiện chỉ thị 39-CT/TW của Bộ Chính trị:
1. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác thi đua, khen thưởng:
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua” nên các cấp ủy đảng, lãnh đạo thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc việc nghiên cứu, quán triệt triển khai thực hiện các Chỉ thị, Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng, đặc biệt là Chỉ thị 39 của Bộ Chính trị; thường xuyên đổi mới các hình thức, các phong trào thi đua nhằm phát huy khả năng sáng tạo của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn cơ quan; gắn thi đua với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với cuộc vận động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng... Bên cạnh đó, sự phối kết hợp giữa các đơn vị, tổ chức đoàn thể trong cơ quan đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thi đua, khen thưởng và xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, người tốt, việc tốt, những cá nhân, tập thể xuất sắc được khen thưởng.
2. Kết quả đổi mới tổ chức các phong trào thi đua yêu nước:
Có thể khẳng định rằng, phong trào thi đua yêu nước của cơ quan Văn phòng Quốc hội trong những năm qua đã có sự đổi mới cả về chất và lượng; các phong trào thi đua đa dạng, phong phú gắn với các ngày lễ lớn của dân tộc và các kỳ họp Quốc hội; nội dung, tiêu chuẩn thi đua cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Các phong trào thi đua được xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị trong Văn phòng. Phát động thi đua có đăng ký mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể từng tháng, quý, năm một cách rõ ràng, có sơ kết, tổng kết và khen thưởng kịp thời; khắc phục tình trạng chung chung, hình thức trong phong trào thi đua và bệnh thành tích trong bình xét thi đua, khen thưởng. Kịp thời thông tin, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến, nêu gương người tốt, việc tốt, làm cho phong trào thi đua không ngừng phát triển mạnh mẽ cả bề rộng lẫn chiều sâu.
Bên cạnh đó, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đã tham mưu cho lãnh đạo Văn phòng phát động nhiều phong trào thi đua ý nghĩa, thiết thực như : “ Thi đua lập thành tích chào mừng 60 năm ngày truyền thống Văn phòng Quốc hội”; thi đua “ Phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đồng thời đổi mới cách thức thi đua cho phù hợp với thực tiễn; trong mỗi Vụ, Cục, đơn vị cũng xây dựng chương trình, kế hoạch thi đua cụ thể giữa các phòng, các nhóm chuyên môn với nhau nhằm tạo ra hàng trăm cá nhân điển hình tiên tiến và nhiều tập thể xuất sắc, từ đó nhân rộng ra các đơn vị cơ sở khác.
Phong trào thi đua đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vì vậy, công tác tham mưu, phục vụ của Văn phòng Quốc hội trong 5 năm qua (2004 – 2009) đã có những đóng góp tích cực, góp phần quan trọng vào sự thành công của Quốc hội được thể hiện qua các mặt:
Tham mưu, phục vụ các kỳ họp Quốc hội và các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội: từ năm 2004 đến nay Văn phòng Quốc hội đã phục vụ 11 kỳ họp (2 nhiệm kỳ XI và XII), các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội và nhiều Hội nghị quan trọng khác của các cơ quan Quốc hội.
Công tác xây dựng pháp luật được coi là trọng tâm trong hoạt động của Quốc hội nhằm tiến tới xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Từ năm 2004 đến nay, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tham mưu, phục vụ Quốc hội thông qua 96 luật, bộ luật và nhiều Nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật.
Công tác giám sát trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng, hiệu quả, hiệu lực được nâng lên. Quyền giám sát tối cao tại kỳ họp Quốc hội được tăng cường trên cơ sở hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Nội dung giám sát tập trung vào nhiều vấn đề bức xúc trong cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực, hình thức không ngừng được cải tiến nhất là trong giám sát chuyên đề, chất vấn...
Cải tiến cách thức tiến hành các kỳ họp của Quốc hội: trong những năm qua Văn phòng Quốc hội không ngừng tham mưu phục vụ Quốc hội cải tiến cách thức tiến hành kỳ họp như: bố trí hợp lý phiên họp trù bị và trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri; xen kẽ việc đọc báo cáo và thảo luận ở tổ, ở hội trường; ghép các nội dung gần nhau hoặc liên quan với nhau theo nhóm vấn đề để thảo luận, để chất vấn, tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng hoặc còn có ý kiến khác nhau; điều hành kiên quyết, linh hoạt; tại phiên giám sát chỉ nghe và thảo luận báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội… Những cải tiến này đã góp phần rút ngắn được thời gian mà vẫn bảo đảm số lượng và chất lượng các nội dung của kỳ họp.
Các hoạt động phục vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã góp phần quan trọng vào thành công trong các hoạt động của Quốc hội.
3. Về công tác xây dựng và nhân điển hình tiên tiến:
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 39 của Bộ Chính trị, công tác xây dựng và nhân các gương điển hình tiên tiến tại cơ quan Văn phòng Quốc hội đã có nhiều chuyển biến; việc xây dựng và nhân các điển hình tiên tiến được tiến hành từ việc phát hiện, đánh giá, lựa chọn và trong mỗi đơn vị đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc tiêu biểu. Thông qua các phong trào thi đua đã phát hiện những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, nhằm đánh giá phong trào thi đua yêu nước và đề ra nhiệm vụ trong thời gian tới (2006 – 2010), Văn phòng Quốc hội đã tổ chức thành công Đại hội thi đua yêu nước lần thứ I (2001- 2005) và Hội nghị đã biểu dương 9 tập thể xuất sắc và 1 cá nhân tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
4. Kết quả đổi mới công tác khen thưởng:
Trên cơ sở đổi mới các phong trào thi đua, công tác khen thưởng cũng được Văn phòng Quốc hội đổi mới, với chủ trương khen đúng, khen trúng, kịp thời, thiết thực và hiệu quả. Trong 5 năm qua, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Văn phòng Quốc hội đã đề nghị và được cấp trên khen thưởng cho các tập thể, cá nhân đạt nhiều thành tích xuất sắc trong công tác. Cụ thể như sau:
- Năm 2004: 9 tập thể được tặng Cờ thi đua của Văn phòng Quốc hội, 7 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua Văn phòng; 23 tập thể và 100 cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; 8 tập thể và 342 cá nhân được tặng danh hiệu lao động giỏi được giấy khen của Chủ nhiệm Văn phòng; Đảng bộ trong sạch vững mạnh và được Đảng ủy Khối I các cơ quan Trung ương tặng Bằng khen; Công đoàn được tặng Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Đoàn Thanh niên Văn phòng được Trung ương Đoàn tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên.
- Năm 2005: 12 tập thể được tặng Cờ thi đua của Văn phòng Quốc hội, 22 đơn vị được công nhận là tập thể Lao động xuất sắc, 11 đơn vị được công nhận danh hiệu tập thể Lao động tiên tiến; 1 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 5 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua Văn phòng Quốc hội, 134 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 429 cá nhân đạt danh hiệu lao động tiên tiến; Văn phòng Quốc hội đạt giải 3 trong đợt thi đua đặc biệt thực hiện Chỉ thị 31 của Khối thi đua các Bộ, ngành tổng hợp; Đảng bộ trong sạch vững mạnh và được Đảng ủy Khối I các cơ quan Trung ương tặng Bằng khen; Công đoàn được tặng Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trung ương Đoàn tặng bằng khen cho Đoàn Thanh niên Văn phòng Quốc hội vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên.
- Năm 2006: 10 tập thể được tặng Cờ thi đua của Văn phòng Quốc hội, 22 tập thể được công nhận là Tập thể Lao động xuất sắc, 14 tập thể đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; 8 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua Văn phòng Quốc hội, 154 cá nhân được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; 495 cá nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; 10 tập thể và 69 cá nhân được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tặng Bằng khen; Đảng bộ trong sạch vững mạnh và được Đảng ủy Khối I cơ quan Trung ương tặng Bằng khen; Công đoàn được tặng Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trung ương Đoàn tặng bằng khen cho Đoàn Thanh niên Văn phòng Quốc hội.
- Năm 2007: 7 tập thể được tặng Cờ thi đua Văn phòng Quốc hội, 27 tập thể được công nhận là tập thể Lao động xuất sắc, 17 tập thể đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; 6 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua Văn phòng Quốc hội, 170 cá nhân được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; 533 cá nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; 10 tập thể và 31 cá nhân được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tặng Bằng khen; Văn phòng Quốc hội đạt giải 3 trong phong trào thi đua năm 2007 của Khối thi đua các Bộ, ngành tổng hợp; Đảng bộ trong sạch vững mạnh và được Đảng ủy Khối I cơ quan Trung ương tặng Giấy khen; Công đoàn được tặng Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trung ương Đoàn tặng bằng khen cho Đoàn Thanh niên Văn phòng Quốc hội vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên.
- Năm 2008: 3 tập thể và 2 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng ba; 3 tập thể được Cờ thi đua Chính phủ; 7 tập thể được tặng Cờ thi đua Văn phòng Quốc hội; 29 Tập thể được công nhận đạt danh hiệu Lao động xuất sắc; 16 tập thể đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua Toàn quốc; 7 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua Văn phòng Quốc hội; 192 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; 569 cá nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; 7 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 4 đơn vị và 51 cá nhân được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tặng Bằng khen và Văn phòng Quốc hội đạt giải nhất trong phong trào thi đua năm 2008 của Khối thi đua các Bộ, ngành tổng hợp; Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội trong sạch vững mạnh; Công đoàn được tặng Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trung ương Đoàn tặng bằng khen cho Đoàn Thanh niên Văn phòng Quốc hội.
Bên cạnh đó, công tác khen thưởng Huân chương bậc cao cho quá trình cống hiến của các cá nhân cũng được đẩy mạnh, trong 5 năm qua, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng đã tham mưu cho lãnh đạo Văn phòng đề nghị cơ quan có thẩm quyền tặng thưởng Huân chương bậc cao cho các cá nhân:
Huân chương Sao vàng: 2 cá nhân
Huân chương Hồ Chí Minh: 6 cá nhân
Huân chương Độc lập hạng nhất: 7 cá nhân
Huân chương Độc lập hạng Nhì: 13 cá nhân
Huân chương Độc lập hạng ba: 16 cá nhân
Huân chương Lao động hạng nhất: 14 cá nhân
Huân chương Lao động hạng Nhì: 18 cá nhân
Huân chương Lao động hạng ba: 27 cá nhân
Hiện đang đề nghị cơ quan có thẩm quyền điểu chỉnh tặng, truy tặng Huân chương Sao vàng cho 5 cá nhân; Huân chương Hồ Chí Minh cho 4 cá nhân; Huân chương Độc lập hạng nhất cho 1 cá nhân; Huân chương Độc lập hạng ba cho 2 cá nhân.
Công tác khen thưởng tổng kết thành tích tham gia kháng chiến được chú trọng; thực hiện Quyết định 98/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5 tháng 5 năm 2006, thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng đã tham mưu cho lãnh đạo Văn phòng tặng Bằng khen cho 3 đồng chí có thành tích tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đề nghị cơ quan có thẩm quyền tặng Huy chương kháng chiến hạng nhì cho 3 đồng chí. Nội dung này đã được hoàn thành trong năm 2007.
5. Về đổi mới tổ chức và cán bộ sau khi có Chỉ thị 39-CT/TW của Bộ Chính trị:
Xuất phát từ lúc chỉ có 1 cán bộ kiêm nhiệm công tác thi đua, khen thưởng, đến nay Văn phòng phòng Quốc hội đã thành lập được Phòng Thi đua – Khen thưởng trực thuộc Vụ Tổ chức – Cán bộ gồm 1 lãnh đạo cấp Vụ phụ trách chung, 1 Trưởng phòng và 1 chuyên viên chuyên trách công tác thi đua, khen thưởng. Kể từ khi thành lập, Phòng đã tham mưu cho Hội đồng Thi đua – Khen thưởng và lãnh đạo Văn phòng các kế hoạch, chương trình, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, đồng thời tổ chức các phong trào thi đua, tuyên truyền vận động cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan tham gia đông đủ và phát huy được hiệu quả. Việc thành lập Phòng Thi đua - Khen thưởng bước đầu đã kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng tại cơ quan Văn phòng Quốc hội theo tinh thần Nghị định 122/NĐ-CP ngày 4.10.2005. Hiện Phòng Thi đua – Khen thưởng vẫn tiếp tục kiện toàn để phù hợp với yêu cầu tình hình mới, đáp ứng nhu cầu đổi mới của cơ quan Văn phòng Quốc hội.
Đánh giá tổng quát, nguyên nhân và các bài học kinh nghiệm:
1. Nguyên nhân:
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 39 của Bộ Chính trị, công tác thi đua, khen thưởng tại cơ quan Văn phòng Quốc hội đã có những chuyển biến tích cực góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, có được những thành tích như vậy là nhờ một số nguyên nhân chủ yếu sau:
- Sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác thi đua, khen thưởng;
- Sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức đoàn thể trong việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua;
- Phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chuyên môn và gắn với việc quán triệt thực hiện Chỉ thị 39;
- Sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 39 vẫn còn một số tồn tại: các phong trào thi đua phát triển chưa đồng đều và liên tục ở một số đơn vị. Một số đơn vị thiếu sự chỉ đạo thường xuyên nên phong trào thi đua còn mang tính hình thức; công tác phát hiện bồi dưỡng các điển hình tiên tiến ở một số đơn vị còn coi nhẹ.
2. Bài học kinh nghiệm:
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị 39 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong những năm qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, Để có phong trào thi đua chất lượng, hiệu quả và thiết thực thì cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tư tưởng của Bác Hồ và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, coi phong trào thi đua là động lực thúc đẩy các mặt công tác; trong mỗi đơn vị cần năng động, sáng tạo các hình thức thi đua cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình; coi thi đua, khen thưởng là biện pháp giáo dục, quản lý, xây dựng đơn vị đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương.
Hai là, Các phong trào thi đua thường xuyên hay đột xuất cần có chương trình, kế hoạch, mục tiêu thi đua cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện, thường xuyên sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, qua đó phát hiện và bồi dưỡng các điển hình tiên tiến, động viên khen thưởng kịp thời những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác.
Ba là, Thường xuyên đổi mới hình thức, biện pháp tổ chức phát động phong trào thi đua tránh khuôn mẫu, cứng nhắc. Tùy điều kiện cụ thể để tổ chức tuyên truyền thông qua các hình thức băng rôn, khẩu hiệu, tọa đàm, gặp mặt trao đổi nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua.
Bốn là, Gắn công tác thi đua, khen thưởng với cuộc vận động, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.