Đối với cơ quan dân cử, đại biểu dân cử - những nhà hoạch định chính sách - thì tham vấn ý kiến nhân dân chính là việc lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay, tham vấn ý kiến nhân dân chưa phải đã được các cơ quan dân cử sử dụng một cách thống nhất, rộng khắp.
Nhiều đại biểu tham dự Hội nghị đối thoại với cộng đồng tài trợ quốc tế về hoạt động thí điểm tham vấn ý kiến nhân dân do VPQH phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức tại Hà Nội sáng qua đã nhận xét như vậy khi đánh giá về kết quả bước đầu của hoạt động thí điểm tham vấn ý kiến nhân dân.
Trong số HĐND 10 tỉnh, thành phố trên cả nước đang tham gia dự án thì HĐND TP Hồ Chí Minh, Lào Cai và Nghệ An là 3 địa phương cảm nhận rõ nét hơn cả hiệu quả của tham vấn ý kiến nhân dân. Cùng với Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đây là những HĐND đầu tiên được chọn để triển khai thí điểm hoạt động tham vấn ý kiến nhân dân phục vụ quá trình ban hành chính sách của địa phương. Báo cáo kết quả bước đầu về tình hình thực hiện thí điểm tham vấn ý kiến nhân dân, đại diện Lãnh đạo HĐND 3 địa phương đều cho rằng, cái được lớn nhất từ việc sử dụng công cụ này là tạo sự đồng thuận nhiều hơn trong nhân dân khi triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết của địa phương. Thông qua các hoạt động tham vấn ý kiến nhân dân, mối quan hệ phối hợp giữa HĐND - UBND và người dân cũng chặt chẽ trên tinh thần thấu hiểu, chia sẻ và cùng nhau bóc tách, giải quyết những vướng mắc, bức xúc của người dân trên địa bàn. Thông qua các hoạt động như điều trần, chương trình Nói và làm, hội nghị các bên liên quan (của HĐND TP Hồ Chí Minh); hay, tổ chức 2 chuyên đề tham vấn về mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh giai đoạn 2006 - 2010 (của HĐND tỉnh Lào Cai)... tham vấn ý kiến nhân dân đã khẳng định được ý nghĩa và hiệu quả hoạt động này đối với việc hoạch định chính sách phát triển KT- XH ở địa phương. Tham vấn không chỉ là cầu nối giữa chính quyền, đại biểu dân cử và người dân mà còn tạo điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ. Đây vừa là những công cụ để thu thập và kiểm chứng thông tin trong quá trình thiết kế chính sách và giám sát việc thực thi chính sách ở các giai đoạn. Từ đó, các cơ quan dân cử có thêm nhiều căn cứ, lý lẽ và thông tin trước khi quyết định các chính sách, pháp luật.
|
Trong 2 năm 2008 và 2009, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã trực tiếp tổ chức tham vấn ý kiến nhân dân, cụ thể là các đối tượng điều chỉnh, về dự án Luật Bảo hiểm y tế, dự án Luật Người khuyết tật; việc thực hiện pháp luật lao động đối với lao động nữ... Nhiều ý kiến chắt lọc từ các cuộc tham vấn ý kiến nhân dân đó, đã được chuyển tải, thể hiện trong các dự án luật trình QH xem xét, cho ý kiến và thông qua.
Không chỉ là có thêm căn cứ và lý lẽ trước khi ban hành chính sách, đối với HĐND TP Hồ Chí Minh, việc tổ chức các hoạt động tham vấn ý kiến nhân dân như điều trần, chương trình Nói và làm... còn góp phần giảm tải cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp HĐND.
Tham vấn đã góp phần kéo chính sách sát gần với cuộc sống hơn, đưa cuộc sống vào chính sách; đồng thời lại nâng chính sách lên tầm nhìn cao hơn, rộng hơn và bao quát hơn.
Ở nước ta, tham vấn ý kiến nhân dân vừa quen vừa lạ. Quen là bởi, sự tham gia của nhân dân vào những việc quốc gia đại sự đã không còn xa lạ. Từ những năm 1980, tham vấn ý kiến nhân dân đã được thực hiện dưới hình thức lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào dự thảo Hiến pháp và các dự thảo luật, pháp lệnh cũng như nhiều vấn đề có quan hệ tới lợi ích rộng rãi của người dân. Đến nay, hoạt động này đã được tiến hành thường xuyên hơn. Tuy chưa gọi rõ cụm từ “tham vấn ý kiến nhân dân” nhưng các hoạt động mang bản chất tham vấn ý kiến nhân dân đã và đang được thực hiện dưới nhiều hình thức như tiếp xúc cử tri; hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào các dự án Luật... Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi năm 2008), việc lấy ý kiến nhân dân vào các dự án luật được quy định thành công đoạn riêng - Ban soạn thảo có nhiệm vụ tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan về dự án, dự thảo; tổng hợp và nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý. Ở các địa phương, quyền tham gia góp ý kiến của tổ chức, cá nhân vào việc ban hành chính sách cũng đã được quy định trong Luật Tổ chức HĐND và UBND; Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn...
Tuy nhiên, để khẳng định rằng, chúng ta đã có những quy định cụ thể thống nhất về sự tham gia của nhân dân vào quy trình ban hành chính sách, pháp luật thì câu trả lời là chưa. Các hoạt động mang tính chất tham vấn trong các hoạt động của QH và HĐND chưa rõ ràng, chưa thành nếp và đôi khi còn mang tính hình thức. Như cách nói của Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lương Phan Cừ là hoạt động tham vấn ý kiến nhân dân ở nước ta đôi khi còn mang tính chất xôi đỗ, tùy hứng. Thực tế, chúng ta chưa có một quy trình thống nhất nhằm cụ thể hóa các hình thức, quy trình, thủ tục tham vấn ý kiến nhân dân.
Liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đã từng nói: điều gì đại biểu không biết thì hỏi cử tri.
Lâu này, chúng ta nói nhiều đến việc đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Nhưng, ở chiều ngược lại, một trong những yếu tố cơ bản bảo đảm chính sách, pháp luật sớm đi vào cuộc sống là chính sách, pháp luật đó phải bắt nguồn từ cuộc sống. Trước khi ban hành chính sách, cần hỏi xem người dân, xã hội có cần đến chính sách, đạo luật đó hay không? Hỏi người dân, hỏi xã hội chính là tham vấn ý kiến nhân dân.
Khuyến khích và tạo điều kiện để người dân tham gia vào quá trình hoạch định chính sách là sự cụ thể hóa quyền được lắng nghe, quyền được yêu cầu các cơ quan nhà nước phải công khai và có trách nhiệm trước các quyết định liên quan đến quyền và lợi ích của người dân.
Tham vấn ý kiến nhân dân vì thế là một trong những hình thức để kéo chính sách gần với cuộc sống hơn; là sự phản hồi và đối thoại 2 chiều giữa những nhà hoạch định chính sách và thụ hưởng chính sách. Tham vấn ý kiến nhân dân góp phần làm công khai, minh bạch chính sách và pháp luật.
Tham vấn ý kiến nhân dân nói cách khác là khai sinh cho một cơ thể sống của một đạo luật, một chính sách tương lai.