Chiều 29.10, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo sơ kết triển khai Nghị quyết số 900/UBTVQH11 về kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TƯ về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã tổ chức Hội thảo tiêu chí và phương pháp sơ kết Nghị quyết số 900/UBTVQH11 và đánh giá nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu chủ trì Hội thảo. Nguyên Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu, nguyên Chủ nhiệm UB Pháp luật Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm UB Đối ngoại Vũ Mão dự.
Thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TƯ về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 900/UBTVQH11 ngày 21.3.2007 cụ thể hóa các định hướng trong Chiến lược thành những nhiệm vụ, đề án cụ thể cần được ưu tiên tập trung thực hiện trong giai đoạn 2007 – 2012. Nghị quyết 900 của UBTVQH đã bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật với tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật; sự phối hợp đồng bộ trong quá trình thực hiện Chiến lược xây dựng pháp luật với thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược cải cách tư pháp và Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước.
Các đại biểu tham dự Hội thảo nhận định: dưới sự chỉ đạo của UBTVQH, các cơ quan của QH đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, thể chế hóa các quan điểm, định hướng chỉ đạo của Nghị quyết 48 trong quá trình lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH cả nhiệm kỳ và hàng năm và trong các dự án luật, pháp lệnh trình QH, UBTVQH xem xét, thông qua... Đến nay, hệ thống pháp luật nước ta đã có bước đổi mới quan trọng và chuyển biến rõ nét cả về số lượng và chất lượng, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, hệ thống pháp luật và công tác thực thi pháp luật vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập so với yêu cầu phát triển của đất nước; hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, nhiều lĩnh vực quan trọng vẫn chưa có luật điều chỉnh; một số quy định của pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu ổn định và tính khả thi thấp; năng lực và nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật còn hạn chế; nhiều định hướng và giải pháp tiếp tục cải cách pháp luật cho thập niên tới chưa được xác định hoặc chưa được đề cập đầy đủ, chưa gắn kết chặt chẽ với Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011 - 2020.
Các đại biểu cũng đã thảo luận về việc xây dựng cách thức, tiêu chí đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 48 trên 5 nội dung lớn, bao gồm: xây dựng pháp luật; tăng cường năng lực của các thiết chế xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường khả năng tiếp cận của nhân dân đối với hệ thống pháp luật; phát triển hệ thống đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác lập pháp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.