Chiều nay, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2010.
|
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường |
Trong buổi thảo luận chiều nay tại Hội trường, các đại
biểu tán thành với báo cáo của Chính phủ về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2009; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2010. Theo nhiều đại biểu, thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2009 có rất nhiều điểm sáng như, thu ngân sách vượt dự toán 0,2% (vượt 750 tỷ đồng), kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, an ninh tài chính quốc gia được đảm bảo. Trong điểm sáng của hoạt động tài chính quốc gia năm 2009, đáng chú ý là sau một số năm không hoàn thành chỉ tiêu thu, năm 2009, dự báo khối doanh nghiệp Nhà nước sẽ vượt chỉ tiêu, đạt 111,6%. Đây là một nỗ lực rất lớn nhất là trong điều kiện suy giảm kinh tế như hiện nay. Tuy nhiên theo một số đại biểu đề nghị Chính phủ cần khắc phục một số hạn chế
trong việc điều hành ngân sách Nhà nước, tính toán lại theo hướng giảm bội chi ngân sách, chống nợ đọng, thất thu thuế…
Siết chặt hơn kỷ luật tài chính
Bên cạnh những mặt được trong hoạt động điều hành ngân sách Nhà nước năm 2009 của Chính phủ, nhiều đại biểu cho rằng vẫn còn có hạn chế nhất là việc thực hiện chưa nghiêm kỷ luật tài chính.
Trong điều hành, trong số khoản chi vượt dự toán theo báo cáo của Chính phủ có 4 khoản vượt lớn:
Thứ nhất, chi đầu tư phát triển vượt 20,1% (tăng 22.700 tỷ đồng), tuy nhiên, tốc độ và kết quả giải ngân còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ giải ngân vốn XDCB tập trung 9 tháng đạt trên 60% dự toán; giải ngân vốn TPCP, bằng 52% kế hoạch đầu năm (36.000 tỷ đồng), nếu tính cả kế hoạch bổ sung 20.000 tỷ đồng thì tỷ lệ giải ngân còn thấp hơn nhiều.
Thứ 2, chi khác ngân sách vượt kế hoạch 1.660%, trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ và giải trình về khoản chi này với Quốc hội.
Thứ 3 là về chi trả nợ, nhiều ý kiến đề nghị xem xét việc bố trí tăng chi trả nợ khoảng 6.000 tỷ đồng và sử dụng khoảng 11.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách an sinh xã hội như làm nhà ở cho người nghèo, hỗ trợ phát triển KT-XH các huyện nghèo..., đây là các khoản chi không có trong dự toán được Quốc hội quyết định, làm thay đổi dự toán chi; do vậy, đề nghị Chính phủ cần báo cáo cụ thể, chi tiết khoản chi này để Quốc hội xem xét, quyết định.
Thứ 4 là về xử lý, thu hồi số vốn ứng trước dự toán: hiện nay, số vốn ứng trước dự toán là rất lớn và khả năng thu hồi rất khó khăn. Theo Uỷ ban Tài chính – Ngân sách, qua giám sát cho thấy, số vốn đã ứng lũy kế đến hết năm 2009 chưa có nguồn thu hồi khoảng trên 50.000 tỷ đồng; số vốn đến hạn năm 2010 khoảng 30.600 tỷ đồng. Trong số này, một số Bộ, ngành, địa phương không có khả năng hoàn ứng kéo dài nhiều năm, tạo nên bức tranh thiếu lành mạnh trong cân đối ngân sách Nhà nước.
Theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên), ngoài những tồn tại trên, một số vi phạm như nợ, trốn thuế, gian lận thương mại, mua bán hoá đơn có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, việc thực hiện các kết luận của kiểm toán vẫn chưa thực sự nghiêm túc. Các vi phạm không giảm thậm chí năm sau còn cao hơn năm trước. Nếu như năm 2007, tổng số tiền kiểm toán phát hiện, kiến nghị thu hồi, xử lý là 2.900 tỷ thì năm 2008 là 4.600 tỷ và 9 tháng đầu năm 2009 đã là 3.500 tỷ. Các cơ quan Trung ương dường như vẫn chưa gương mẫu bằng địa phương trong việc thực hiện các kết luận và kiến nghị của kiểm toán. Tỷ lệ thực hiện của các cơ quan Trung ương chỉ đạt 70%, địa phương là gần 90%, các doanh nghiệp gương mẫu hơn đạt 98%.
Để đạt được mục tiêu về thu chi ngân sách năm 2010, theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cần siết chặt hơn nữa kỷ luật tài chính, tập trung vào những nội dung như: Quốc hội có thể quyết định mức chi vượt dự toán; Thủ tướng Chính phủ cần có Chỉ thị về tăng cường hơn nữa kỷ luật tài chính trong tình hình mới để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp, các ngành; quy định cụ thể hơn về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc hơn nữa các quyết định của kiểm toán.
Ngoài các ý kiến về việc cần siết chặt kỷ luật tài chính, nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ năm 2010 cần rà soát các khoản chi để giữ mức bội chi ngân sách Nhà nước ở mức 6% nhằm đảm bảo an ninh tài chính và tránh lạm phát quay trở lại.
Cần có ngân sách cho trẻ em và bình đẳng giới
Đồng tình với nhiều ý kiến đại biểu trong các buổi thảo luận tại tổ là ngân sách Nhà nước năm 2010 cần chú trọng đầu tư nhiều hơn cho con người, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hoà (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, việc phân bổ ngân sách năm 2010 cần có ngân sách dành cho công tác trẻ em. Lý giải sự cần thiết này, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hoà cho rằng: Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội rất quan tâm với phương châm dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cũng còn nhiều vấn đề đáng quan tâm như trẻ em bị suy dinh dưỡng, trẻ em bị buôn bán, bị bạo lực; trẻ em bỏ học, lang thang, phải lao động sớm, bị bạo lực, xâm hại tình dục, bị người lớn lợi dụng để kiếm tiền… Những vấn đề này có ảnh hưởng đến từng gia đình cũng như trật tự xã hội. Ngoài ngân sách chi để mua bảo hiểm y tế cho trẻ em, chưa thấy Quốc hội, Chính phủ quan tâm phân bổ ngân sách để giải quyết các vấn đề của trẻ em.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hoà, về vấn đề bình đẳng giới, mặc dù Quốc hội đã ban hành Luật Bình đẳng giới và Chính phủ cũng đã có các văn bản hướng dẫn thi hành. Thực tế vấn đề bình đẳng giới cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều vấn đề về bất bình đẳng giới. Để khắc phục tình trạng này, theo đại biểu, bên cạnh những giải pháp khác, một giải pháp không kém phần quan trọng là kinh phí để thực hiện vấn đề này. Tuy nhiên trong các chỉ tiêu phân bổ ngân sách năm 2010 của Chính phủ chưa thấy đề cập đến vấn đề bình đẳng giới. Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hoà đề nghị Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu để có biện pháp lồng ghép vấn đề bình đẳng giới với việc phân bổ ngân sách, có quy định cụ thể một phần ngân sách để giành cho công tác bình đẳng giới. Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu chọn 3 chương trình là: Chương trình nông thôn mới; Chương trình biến đổi khí hậu và Chương trình dạy nghề để thí điểm việc lồng ghép bình đẳng giới trong phân bổ ngân sách.
Cũng trong buổi chiều nay, thảo luận về tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2010, Chính phủ dự kiến 456.400 tỷ đồng, tăng 16,8% so với ước thực hiện năm 2009 (tăng 65.750 tỷ đồng); đạt tỷ lệ động viên 23,6% GDP (từ thuế và phí là 22,2% GDP). Trong đó chi thường xuyên dự kiến 335.260 tỷ đồng, tăng 9,6% so với dự toán năm 2009. Chi đầu tư phát triển dự kiến 125.500 tỷ đồng. Uỷ ban Tài chính- Ngân sách, cơ bản thống nhất với Chính phủ về nguyên tắc phân bổ dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2010. Tuy nhiên, nhấn mạnh một số nguyên tắc như: Phân bổ ngân sách năm 2010 cần theo đúng quy định của Luật NSNN, Nghị quyết Quốc hội, tuân thủ định mức phân bổ và các quy định trong thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước 2007-2010. Bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, có tính đến yếu tố thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện chính sách kích thích “hậu suy thoái kinh tế”, giảm dần bội chi ngân sách Nhà nước và đề phòng lạm phát.
Trước đó vào sáng nay (28/10), các đại biểu tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2009 và nhiệm vụ của năm 2010. Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng) với tư cách là một thành viên Ủy ban Kinh tế đã đã trao đổi về vấn đề trình tự và cách làm Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế về các vấn đề kinh tế, xã hội. Đại biểu Vũ Viết Ngoạn (đoàn Khánh Hoà) hiện đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã tham gia một số ý kiến và làm rõ thêm cơ sở khoa học, cũng như quan điểm của Ủy ban Kinh tế khi đề xuất một số chỉ tiêu cho năm 2010, cụ thể là chỉ tiêu xuất khẩu và chỉ tiêu giá tiêu dùng.
Ngày mai (29/10), Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật dân quân tự vệ. Đồng thời thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này./.