Hội thảo Đại biểu dân cử với việc sửa đổi Bộ Luật Lao động và Luật Công đoàn

24/08/2009

Ngày 22 - 23.8, tại thành phố Cần Thơ, UB Về các vấn đề xã hội đã tổ chức Hội thảo Đại biểu dân cử khu vực phía Nam với việc sửa đổi Bộ Luật Lao động và Luật Công đoàn. Chủ nhiệm UB Trương Thị Mai chủ trì Hội thảo.

Lao động, việc làm, các tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động phải hướng đến mục tiêu hài hòa, ổn định và tiến bộ với vai trò quan trọng của các bên đại diện cho người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước.  Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực lao động trình bày một số nội dung lớn của dự thảo Bộ Luật Lao động  (sửa đổi) và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); đánh giá việc thực hiện Bộ Luật Lao động hiện hành ở thành phố Hồ Chí Minh; một số định hướng sửa đổi Luật Công đoàn hiện hành...

 

Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo là cơ sở để UB Về các vấn đề xã hội xây dựng và hoàn thiện công tác thẩm tra dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cũng như đóng góp ý kiến đối với dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), bảo đảm sự đồng bộ giữa hai văn bản luật này, tạo cơ sở pháp lý ngày càng chặt chẽ và khả thi trong lĩnh vực quan hệ lao động. Theo chương trình, dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) dự kiến sẽ trình QH tại Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XII.

 

+ Trước đó, ngày 21- 22.8, tại TP Hải Phòng, UB Về các vấn đề xã hội đã phối hợp với dự án Tăng cường năng lực cho các cơ quan đại diện ở Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn công chúng về dự án Luật Người tàn tật và việc thực hiện pháp luật về lao động đối với lao động nữ khu vực phía Bắc.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận về tình hình thực hiện Pháp lệnh Người tàn tật và một số nội dung của dự án Luật Người tàn tật; thực trạng người tàn tật ở Việt Nam, thực trạng người tàn tật ở TP Hải Phòng; thực trạng và giải pháp thực hiện chính sách, pháp luật lao động đối với lao động nữ nhìn từ góc độ bình đẳng giới; tuổi nghỉ hưu của lao động nữ…

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo đề nghị, cần xác định rõ đối tượng, phạm vi điều chỉnh cũng như tên gọi của dự án Luật Người tàn tật; nghiên cứu mở rộng phạm vi điều chỉnh dự án Luật Người tàn tật; Quy định trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm quyền của người tàn tật… Đối với pháp luật về lao động nữ, các đại biểu kiến nghị, các chính sách về việc làm và bảo trợ xã hội cần tập trung hơn tới việc giải quyết tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm...

Đ. Ngân - L. Thủy

(http://nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác