Cùng dự có Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, đại diện Thường trực HĐDT và các UB của QH.
Báo cáo với Đoàn giám sát, các cơ quan chịu sự giám sát kể trên khẳng định: sau khi QH ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2007 đến nay các cơ quan chức năng đã ban hành khá đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật. Hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã tương đối hoàn thiện; công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh đã góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của nhân dân và nhất là cán bộ, công chức về phòng, chống tham nhũng. Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an đã ban hành Quy chế phối hợp trong việc giải quyết các án nghiêm trọng, phức tạp; Tòa án nhân dân tối cao và Thanh tra Chính phủ xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn việc trao đổi, quản lý và sử dụng thông tin, dữ liệu về phòng, chống tham nhũng... Các cơ quan chức năng cũng đã nghiêm túc thực hiện quy định về công khai, minh bạch trong các lĩnh vực phụ trách, đặc biệt là trong lĩnh vực thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân; công khai về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tuyển dụng, bổ nhiệm và đề bạt cán bộ; thực hiện nghiêm quy chế dân chủ; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện các quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên trong cơ quan.
Đoàn giám sát ghi nhận kiến nghị của các cơ quan chức năng về việc tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy đơn vị chuyên trách phòng, chống tham nhũng. Nhiều thành viên Đoàn giám sát cũng cho rằng cần phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; nâng mức xử phạt tội phạm tham nhũng để tăng tính răn đe, phòng ngừa tham nhũng; cụ thể hóa các quy định về công khai, minh bạch tài sản, thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác; hoàn thiện chính sách về cơ chế quản lý kinh tế, thu chi ngân sách để ngăn ngừa các hành vi tham nhũng... Các thành viên Đoàn giám sát cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thực hiện nghiêm minh pháp luật về phòng, chống tham nhũng; giám sát chặt chẽ để ngăn ngừa các hành vi tham nhũng ngay trong nội bộ cơ quan mình.