Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Bưu chính

16/08/2009

Chiều 14/8, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp thứ 22, tập trung cho ý kiến vào dự thảo Luật Bưu chính.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận một số vấn đề còn chưa thống nhất trong dự luật như chỉnh sửa một số khái niệm, các quy định liên quan đến dịch vụ bưu chính công ích, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính...

Tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luận không rõ ràng, dễ dẫn đến sự hiểu lầm về tính độc quyền doanh nghiệp, quy định nhiều ưu đãi cho Tổng công ty Bưu chính Việt Nam...

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng Dự thảo Luật còn nhiều nội dung, vấn đề chưa hoàn thiện, vẫn còn mang tính quy định chung chung, nhiều quy định không thống nhất. Nhiều điểm trong dự Luật không bám sát tư tưởng Luật Doanh nghiệp và phi kinh tế thị trường. Ban soạn thảo cần nghiên cứu một chương Bưu chính đặc biệt, quy định riêng những nhiệm vụ trong hoạt động bưu chính nhằm phục vụ yêu cầu chính trị.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nhận xét, Dự thảo Luật Bưu chính chưa làm rõ nguyên tắc cơ bản là bưu chính là loại hình dịch vụ xã hội nhà nước bao cấp hay hoạt động theo cơ chế thị trường. Cần nghiên cứu thể hiện thuật ngữ pháp lý và những quy định trong Luật có tính rõ ràng, tránh hiểu lầm Luật quy định tính độc quyền, ưu đãi cho một doanh nghiệp nào đó.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba, Dự thảo Luật Bưu chính là dự Luật mang tính chuyên ngành cao, tuy nhiên, không thể dựa vào tiến trình Nhà nước xóa bỏ bù lỗ trong hoạt động bưu chính vào năm 2013 để xây dựng luật vì luật pháp là để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong thời gian dài và giảm tối đa việc sửa luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn lưu ý cần nghiên cứu để đảm bảo vấn đề an ninh trong hoạt động bưu chính, bổ sung các nguyên tắc tiêu chuẩn trong hoạt động bưu chính, các chế tài đảm bảo chất lượng hoạt động bưu chính và quy định rõ hơn vai trò các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động bưu chính.

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giải trình của Ban soạn thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh việc xây dựng Luật Bưu chính cần đáp ứng yêu cầu là những những quy định pháp lý trong luật được dùng chung cho tất cả các tổ chức loại hình kinh tế, không riêng gì Tổng công ty Bưu chính Việt Nam.

Phạm vi điều chỉnh của Luật cần được xem xét sửa đổi để phù hợp với nhiều loại hình, nhiều tổ chức, đơn vị kinh doanh bưu chính. Các điều khoản của Luật cần thể hiện những tổ chức hoạt động bưu chính là tổ chức dịch vụ có thu, có tính cạnh tranh, tuân thủ Luật Doanh nghiệp.

Thiết lập một chương riêng các hoạt động bưu chính đặc thù được nhà nước giao nhiệm vụ phục vụ nhu cầu xã hội như dịch vụ bưu chính công ích, trong đó thể hiện rõ các nguyên tắc, nội dung của hoạt động dịch vụ bưu chính đặc thù. Đơn vị, tổ chức nào được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện dịch vụ bưu chính công ích sẽ nhận được các ưu đãi, hỗ trợ tương ứng.

Ban soạn thảo Dự luật Bưu chính cần tiếp thu ý kiến đóng góp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, xem xét, nghiên cứu sâu hơn về các điều luật quy định về chính sách nhà nước, trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động bưu chính; rà soát chỉnh sửa cho phù hợp thực tế đối với các điều khoản quy định các hành vi bị cấm, không được bồi thường trong hoạt động bưu chính...

Các quy định trong luật liên quan đến Tổng công ty Bưu chính Việt Nam cần được xây dựng thể hiện đây là đơn vị nhà nước hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, tuân thủ luật Doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên yêu cầu ban soạn thảo tích cực phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật. Tờ trình xin ý kiến Quốc hội cần được thể hiện ngắn gọn, xúc tích, chi tiết đảm bảo những nội dung cơ bản, cần thiết, để Dự án luật Bưu chính sớm được Quốc hội phê chuẩn và thông qua./.

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác