Trong năm ngày họp, từ 11 đến 15/8, Ủy ban cũng sẽ cho ý kiến về một số vấn đề lớn của 4 dự án Luật Viễn thông; Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Cơ yếu; vấn đề tên gọi của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh và cho ý kiến lần đầu vào 3 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật Trọng tài thương mại và Luật Bưu chính.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe báo cáo về một số vấn đề liên quan đến kết quả giám sát việc giải quyết vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa nguyên đơn là Công ty Tiên Sơn (tỉnh Thanh Hóa) với bị đơn là Công ty TNHH Châu Tuấn (tỉnh Hà Tĩnh); báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung mục III Bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ hai ngành tòa án và kiểm sát.
Trong phiên họp sáng nay 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện.
Các thành viên Ủy ban đã góp ý thêm về các nội dung trong dự án Luật Viễn thông như chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông và sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật; cạnh tranh trong quá trình phát triển thị trường viễn thông; đối tượng, nguồn hình thành quỹ viễn thông công ích.
Nhiều đại biểu ủng hộ sự cần thiết duy trì Quỹ viễn thông công ích và cho rằng quỹ này đang hoạt động có hiệu quả trong việc bảo đảm cung cấp dịch vụ viễn thông phổ cập đối với các vùng xa xôi, hẻo lánh, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Nguồn tài chính của quỹ được đóng góp từ doanh thu dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông và của nhà nước.
Cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Tần số vô tuyến điện, đa số ý kiến tán thành cần có điều riêng quy định về Ủy ban Tần số Vô tuyến điện trong luật và làm rõ hơn vai trò, chức năng của ủy ban này./.