Theo Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu Khoa học- VPQH, hiện đã có 12.451 văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực đề cập đến tổ chức và hoạt động VPQH. VPQH được thành lập theo Nghị quyết 417/2003 của UBTVQH, trong khi đó, Văn phòng Chính phủ lại được quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ. Các quy định về tổ chức và hoạt động của VPQH còn tản mạn trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Hiện VPQH cũng có nhiều loại hình cơ quan, áp dụng các chuẩn mực làm việc khác nhau; chưa có đầu mối thống nhất chịu trách nhiệm về việc tổ chức bộ máy; hình thức đào tạo công chức phục vụ QH chưa phù hợp. Công chức tại các Văn phòng Đoàn ĐBQH còn làm hai vai: vừa là công chức của địa phương, phụ thuộc vào địa phương, vừa làm việc của Trung ương, sử dụng kinh phí và do Trung ương hướng dẫn hoạt động.
Các đại biểu kiến nghị, cần nghiên cứu và đề xuất để ghi nhận địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ và những nguyên tắc hoạt động cơ bản của VPQH vào Luật Tổ chức QH hoặc Quy chế hoạt động của UBTVQH trong lần sửa tới đây. Đồng thời, bổ sung thêm các quy định về một số vấn đề quan trọng trong tổ chức và hoạt động của VPQH như: chế độ làm việc, quản lý tài chính, tài sản...; quy định theo hướng mở về phương thức tổ chức các cơ quan của VPQH để phù hợp với quá trình đổi mới hoạt động của QH; xác định xu hướng phát triển của các vụ chuyên môn giúp việc Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH thành Văn phòng các Ủy ban; thành lập Vụ thông tin công chúng và hình thành chức danh Thư ký báo chí; thành lập Văn phòng Chủ tịch QH hoặc Ban thư ký lãnh đạo QH. Các ý kiến cho rằng, việc đào tạo, bồi dưỡng công chức VPQH nên tiến hành riêng, tập trung về những kiến thức nghị viện; lập cơ chế luân chuyển công chức giữa các bộ phận của VPQH để tăng cường kinh nghiệm, kiến thức về tổ chức công việc của QH; cho phép áp dụng hình thức ký kết hợp đồng thuê ngoài đối với một số loại hình dịch vụ...