Chiều 17/6 tại hội trường, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2010; Luật Quản lý nợ công; Luật Quy hoạch đô thị; Luật lý lịch tư pháp.
Với số lượng đại biểu nhất trí, đồng thuận cao, Nghị quyết về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2010 đã có 436/449 đại biểu tán thành thông qua (chiếm 88,44%).
Luật lý lịch tư pháp có 337/445 đại biểu tán thành thông qua (chiếm 76,47%) và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010. Luật Quản lý nợ công có 446/449 đại biểu tán thành (chiếm 90,47%), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010. Luật Quy hoạch đô thị có 440/444 đại biểu thông qua (chiếm 89,25%), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010.
Sẽ giao cho Bộ Tài chính thống nhất về quản lý nợ công
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quản lý nợ công do Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày nêu rõ: Dự thảo Luật Quản lý nợ công có đề cập đến việc hiện nay, các khoản nợ nước ngoài được Chính phủ quản lý chiếm trên 80% tổng nợ nước ngoài của quốc gia. Để quản lý các khoản nợ, nhiều ý kiến cho rằng, việc phân công thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nợ công còn bị phân tán. Nếu quy định cả 3 cơ quan (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cùng có chức năng quản lý nhà nước về nợ công sẽ dẫn đến thiếu nhất quán, rủi ro, lãng phí trong quản lý vay và sử dụng vốn vay. Đề nghị giao chức năng quản lý nợ công thống nhất đầu mối về Bộ Tài chính.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét dự thảo Luật Quản lý nợ công và nhận thấy: Để bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất, tránh tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan trong quản lý nợ, việc xác định rõ một cơ quan giữ vai trò đầu mối thực hiện chức năng trực tiếp quản lý nợ công là cần thiết. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành thì việc giao Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng này là hợp lý. Đây cũng là đề nghị của Cơ quan thẩm tra.
Tuy nhiên, nếu chuyển giao toàn bộ chức năng quản lý nhà nước về nợ công từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sang cho Bộ Tài chính ngay tại thời điểm hiện nay thì có thể sẽ phát sinh khó khăn trong tổ chức thực hiện. Theo đề nghị của Chính phủ, trước mắt, trong giai đoạn quá độ để đi đến thống nhất một đầu mối quản lý là Bộ Tài chính thì cho phép duy trì việc một số cơ quan tham gia quản lý nhà nước về nợ công theo phân công của Thủ tướng Chính phủ để kế thừa những kinh nghiệm và mối quan hệ hợp tác quốc tế đã hình thành trong thời gian qua, song về lâu dài, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng phương án hình thành bộ máy quản lý thống nhất về nợ công, bảo đảm nhất quán trong quản lý và tổ chức thực hiện.
Quy rõ trách nhiệm của các cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị
Về dự thảo thảo Luật Quy hoạch đô thị trình Quốc hội thông qua, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình cho biết: Sau khi thảo luận tại hội trường về dự thảo Lụât Quy hoạch đô thị, đa số các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều tán thành với những nội dung cơ bản của dự thảo Luật. Trong dự thảo Luật Quy hoạch đô thị trình Quốc hội tại kỳ họp này, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề quy định trách nhiệm của các cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị. Qua tổng hợp phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội kết quả có 136/390 đại biểu đồng ý phương án 1 giao Bộ Xây dựng tổ chức lập quy hoạch chung đô thị loại đặc biệt; có 220/390 đại biểu đồng ý với phương án 2 giao Ủy ban nhân dân đô thị loại đặc biệt tổ chức lập quy hoạch chung đô thị này, Bộ Xây dựng thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có phạm vi quy hoạch liên quan đến địa giới hành chính của hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương với đô thị loại III trở lên và quy hoạch khác do Thủ tướng Chính phủ giao. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức lập quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương, quy hoạch chung đô thị mới, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật thành phố trực thuộc trung ương, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các khu vực có phạm vi liên quan đến địa giới hành chính của hai quận, huyện trở lên, khu vực trong đô thị mới và khu vực có ý nghĩa quan trọng.
Uỷ ban nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã tổ chức lập quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
Ủy ban Nhân dân quận tổ chức lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý. Ủy ban Nhân dân huyện thuộc thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết thị trấn, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
Ủy ban nhân dân huyện thuộc tỉnh tổ chức lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết thị trấn. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư.
Giữ quy định về phạm vi quản lý lý lịch tư pháp
Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lý lịch tư pháp nói rõ: Dự thảo Luật Lý lịch tư pháp được đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội nhất trí với phạm vi quản lý lý lịch tư pháp như đã nêu trong Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc xác định phạm vi quản lý lý lịch tư pháp phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và mục đích quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Thực tiễn việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp thời gian qua cho thấy, khi cơ quan, tổ chức trong nước hoặc nước ngoài có nhu cầu cần biết lý lịch tư pháp của một người để xem xét việc xuất cảnh, nhập cảnh, cho nhập, thôi, trở lại quốc tịch, nuôi con nuôi; cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, kiểm toán, y dược tư nhân; tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, du học..., thì điều mà cơ quan, tổ chức yêu cầu là án tích và tình trạng thi hành án của người đó.
Nội dung của Phiếu lý lịch tư pháp được cấp cũng chỉ ghi người đó có án tích hay không có án tích, tình trạng thi hành án (nếu có) và đều được các cơ quan, tổ chức trong nước cũng như nước ngoài chấp nhận. Giá trị pháp lý và ý nghĩa chính trị - xã hội của những thông tin này là nhằm chứng minh một người có hay không có án tích, ghi nhận việc xóa án tích, tạo điều kiện cho người đã từng bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, phù hợp với quy định của Hiến pháp là: “không ai bị coi là có tội và phải chịu trách nhiệm hình sự khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” và quy định của Bộ luật hình sự là: “người được xóa án tích coi như chưa bị kết án”.
Nếu luật hóa việc quản lý lý lịch tư pháp bao gồm việc cập nhật thông tin về tiền sự và các hành vi vi phạm pháp luật khác nhưng chưa đến mức xử lý hình sự vào lý lịch tư pháp của công dân như án tích và tình trạng thi hành án là không phù hợp với mục đích quản lý lý lịch tư pháp và thực tiễn yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp với nội dung như dự thảo Luật đã được thực hiện từ năm 1993 đến nay. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về phạm vi quản lý lý lịch tư pháp như dự thảo Luật.
Tại cuộc họp chiều nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho rút 3 dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Quản lý thuế khỏi chương trình kỳ họp thứ 5 để tiếp tục chuẩn bị, trình Quốc hội vào thời gian thích hợp.
Sáng 18/6, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá; Luật cơ quan đại diện nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai; Luật Bồi thường Nhà nước./.