Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa tập trung hoàn thiện các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích; Lập hồ sơ khoa học đối với di sản văn hóa phi vật thể; Khu vực bảo vệ di tích và công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích; Thẩm quyền phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích... Đa số thành viên của UB VH, GD, TN, TN và NĐ tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định nêu trên vì qua giám sát của UB thì những quy định này trên thực tế đang gây khó cho công tác trùng tu, tôn tạo và bảo vệ các di tích, di sản văn hóa. Tuy nhiên, quy định “bảo vệ nghiêm ngặt khu vực I của di tích” thay bằng “bảo vệ nguyên trạng” như đề xuất của Ban soạn thảo đã không nhận được sự đồng thuận của các thành viên UB vì dễ dẫn đến tình trạng vận dụng luật tùy tiện. Qua thảo luận, các thành viên của UB đã thống nhất phương án bảo vệ nguyên trạng nhưng bổ sung thêm các quy định về việc giải quyết những trường hợp đặc biệt cho phù hợp với thực tiễn bảo tồn di tích ở nước ta.
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho rằng: Hiện nay, ngay trong giới chuyên môn, các nhà khoa học, sử học, khảo cổ học cũng đang bất đồng quan điểm về nhiều vấn đề mang tính học thuật về bảo tồn di tích. Người dân lại ít có điều kiện tiếp cận với những vấn đề cụ thể của công tác bảo tồn di tích nên nhiều khi đã gây ra những bức xúc không đáng có trong dư luận xã hội do đó, cần phải đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong xã hội. Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa lần này cần phải có những quy định cụ thể bảo đảm tính công khai, minh bạch cho quá trình trùng tu, tôn tạo và bảo vệ di tích; Người dân cần phải biết các cơ quan chức năng đã, đang và sẽ làm gì đối với các di tích và di sản văn hóa.