Ngày 17.4, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài; Dự án Luật Bồi thường Nhà nước; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa.
Đối với dự án Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài, các ý kiến khác nhau chủ yếu tập trung vào 2 vấn đề lớn liên quan đến Điều 14 và Điều 15. Cụ thể là việc quyết định cơ cấu tổ chức và biên chế của các cơ quan đại diện; Việc sử dụng kinh phí thường xuyên và kinh phí đặc thù của các cơ quan đại diện mà trong đó kinh phí đặc thù có liên quan tới 3 cơ quan: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Công thương. Về cơ cấu tổ chức, Trưởng ban Công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên cho rằng việc quy định Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan cùng với Bộ Nội vụ và trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh về tổ chức bộ máy và cơ cấu của cơ quan đại diện phù hợp với pháp luật hiện hành. Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Quang Xuân cho biết: qua tham khảo thì hiện mô hình cơ quan đại diện ở ngoài là “hình chóp”; tức là cơ quan đại diện phải có chế độ thủ trưởng rõ ràng và thay mặt Nhà nước quản lý cơ quan đại diện đó. Dự án luật này đáp ứng mô hình “hình chóp” để tạo điều kiện cho đại sứ cùng với các bộ, ngành phối hợp để khai thác tiềm năng phát triển quan hệ với nước sở tại.
Về việc phân bổ và sử dụng kinh phí, hầu hết các ý kiến tán thành việc quy về một đầu mối là Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên còn nhiều ý kiến chưa tán thành với quy định về kinh phí đặc thù của Dự thảo Luật. Theo Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên: nên để Bộ Ngoại giao là cơ quan chủ trì dự trù kinh phí cho đầu tư và chi thường xuyên. Đối với dự toán ngân sách, Luật Ngân sách Nhà nước quy định kinh phí chi cho công an và quân đội còn công khai, có gì phải bí mật và phải đặc thù để rồi nay mai quá nhiều đầu mối trong việc này. Trên cơ sở dự trù cứ thế mà phân bổ chi tiêu, đỡ phải xin - cho và minh bạch, công khai.
Đối với dự án Luật Bồi thường Nhà nước, Thường trực UB Pháp luật đề nghị UBTVQH xem xét và cho ý kiến đối với 2 vấn đề chính là: quản lý Nhà nước và trách nhiệm quản lý Nhà nước về trách nhiệm bồi thường; phạm vi được bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính. Trưởng ban Công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên đồng tình với việc nên có mô hình quản lý nhà nước về bồi thường nhưng không nên hình thành tổ chức bộ máy, cơ cấu để làm việc đó. Trách nhiệm nên giao cho Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để tổ chức thực hiện; Các bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh cũng phải có trách nhiệm. Đây là một luật thể hiện tính dân chủ, trách nhiệm và tôn trọng, bảo vệ quyền của người dân trong quá trình thực thi công vụ của nhà nước. Về việc có quy định giới hạn trách nhiệm bồi thường hay không, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đồng tình với UB Pháp luật là mọi thiệt hại đều phải được bồi thường. Tuy nhiên, yêu cầu là luật càng cụ thể càng tốt, đồng thời phải căn cứ vào khả năng của Nhà nước trong từng thời kỳ để mở ra phạm vi bồi thường.
Cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, các ý kiến tập trung vào 3 nội dung chính. Đó là: trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích; Việc lập hồ sơ khoa học đối với di sản văn hóa phi vật thể... Nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi cần được cân nhắc thận trọng vì liên quan đến vấn đề tâm linh, đời sống tinh thần của người dân và văn hóa dân tộc. Dự án không nên sửa đổi theo hướng quá cứng nhắc, hoặc cũng không nên sửa đổi chỉ để thuận lợi cho một số hoạt động cụ thể.