Chiều 16/4, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB).
Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trình bày, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư XDCB tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung để giải quyết vướng mắc, những vấn đề bức thiết nhất đang cản trở các hoạt động đầu tư XDCB trong thực tế thi hành các luật hiện nay; đảm bảo yêu cầu thống nhất quản lý nhà nước về đầu tư XDCB; nhất quán, không chồng chéo về các quy định pháp luật liên quan; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, thủ tục hành chính đơn giản, nhanh chóng, thuận lợi; phát huy được quyền chủ động và nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan; phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.
Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 52 điều, khoản vướng mắc, bức xúc nhất trong 8 luật và 1 Nghị quyết, trong đó đặc biệt quan tâm những vấn đề liên quan đến trình tự, thủ tục đầu tư: 8 điều của Luật Xây dựng, 8 điều của Luật Đầu tư, 17 điều của Luật Đấu thầu, 7 điều của Luật Doanh nghiệp, 2 điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, 4 điều của Luật Đất đai, 2 điều của Luật Bảo vệ môi trường, 3 điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy và 1 điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11.
Cụ thể như: Nội dung sửa đổi bổ sung các điều, khoản của Luật Xây dựng quy định rõ những hoạt động xây dựng thuộc lĩnh vực có điều kiện, đưa ra danh mục các hoạt động xây dựng có điều kiện. Nội dung sửa đổi của Luật Đấu thầu làm rõ về thẩm định đấu thầu, đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu, thời gian trong đấu thầu, hồ sơ mời thầu. Nội dung sửa đổi Luật Doanh nghiệp quy định rõ về thời hạn cấp giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh gắn với dự án đầu tư cụ thể; đăng ký lại và tổ chức quản lý theo quy định của Luật Đầu tư.
Nội dung sửa đổi của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp về ưu đãi đầu tư, Luật Đất đai về việc mở rộng đối tượng cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần, về giá đất thực tế tại địa phương…
Thẩm tra sơ bộ dự án, Ủy ban Kinh tế (UBKT) của QH tán thành với việc cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư XDCB để giải quyết được tổng thể những vấn đề đang đặt ra làm chậm tiến độ, giảm hiệu quả đầu tư xây dựng các dự án, công trình sử dụng vốn nhà nước nói riêng và đầu tư XDCB nói chung.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và các Ủy viên UBTVQH tán thành với báo cáo thẩm tra sơ bộ của UB Kinh tế, nhận định đây là lần đầu tiên áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật chuyên ngành khác nhau, với những nội dung phức tạp. Để có thể tiếp cận có hệ thống, tờ trình của Chính phủ nên trình bày rõ việc sửa đổi, bổ sung các quy định theo nhóm vấn đề, tương ứng với từng khâu của công tác đầu tư XDCB. Mặt khác, phạm vi sửa đổi của Luật như vậy là quá rộng. Đầu tư XDCB rất phức tạp, liên quan đến công tác quản lý của nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều nguồn vốn của các thành phần kinh tế. Những nội dung cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về đầu tư XDCB thuộc về các chủ trương, quan điểm lớn, như vấn đề quản lý và sử dụng đất đai, giá đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng, quy hoạch, phân cấp quản lý đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, quy trình, thủ tục đầu tư…Hiện nay, vấn đề bức xúc nhất là tiến độ các dự án sử dụng vốn nhà nước rất chậm, hàng năm số vốn XDCB không giải ngân được phải chuyển sang năm sau rất lớn mà một trong những nguyên nhân chính là do thủ tục đầu tư XDCB còn nhiều vướng mắc, rườm rà.
Theo Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm UB Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình, trước mắt chỉ nên tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung về quy trình, thủ tục, đặc biệt là giai đoạn chuẩn bị đầu tư trong các luật liên quan trực tiếp đến đầu tư XDCB, mà đa số được quy định trong Luật Xây dựng và Luật đấu thầu. Vì vậy không nên mở rộng mà cần tập trung sửa đổi 2 luật này và 1 số quy định trong các luật Phòng cháy chữa cháy, Bảo vệ môi trường. Mục đích của Luật là để tháo gỡ những vướng mắc trong đầu tư XDCB, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo yêu cầu quản lý. Nếu phạm vi quá rộng, thậm chí thay đổi cả đối tượng điều chỉnh thì không ổn. Bên cạnh đó, cần có sự phân tích, tổng kết đánh giá cụ thể, rõ ràng, thuyết phục hơn những tác động, ảnh hưởng, trở ngại trong triển khai thực hiện đầu tư XDCB thời gian qua.
Băn khoăn về quan điểm xây dựng Luật sửa đổi là nhằm giải quyết những vướng mắc, vấn đề bức thiết nhất đang cản trở các hoạt động đầu tư XDCB trong thực tế thi hành các luật hiện nay, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, cần làm rõ Luật có sửa cả những quy định có vướng mắc nhưng chưa bức thiết nhất không hay sẽ để sửa đổi, bổ sung trong từng luật riêng? Nên chăng khoanh lại sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan nhưng cũng không nên nhấn mạnh đó là những vấn đề bức xúc nhất, mà cứ vướng là sửa. Mặt khác, theo quy định, văn bản luật không sửa đổi, bổ sung nghị quyết. Riêng về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy, ông Trần Thế Vượng cũng đồng tình với thẩm tra của UB Kinh tế, không nên vì đơn giản hơn thủ tục mà chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, dễ phát sinh nhiều vấn đề, dẫn đến những vi phạm, gây hậu quả khó lường. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh thêm, chọn sửa đổi, bổ sung những vấn đề bức xúc nhưng phải đủ điều kiện, đã được chuẩn bị kỹ, chín muồi./.