Ngày 15.4, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự và dự án Luật Lý lịch tư pháp.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự đã được QH Khóa XII cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư. Tiếp thu ý kiến đóng góp của các ĐBQH, một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự án luật tập trung vào việc hạn chế áp dụng hình phạt tử hình; Việc bỏ tội sử dụng trái phép chất ma túy; Bổ sung tội giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi; Tội khủng bố; Tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc...
Đa số Ủy viên UBTVQH tán thành với nội dung tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo luật.
Liên quan đến quy định về tội khủng bố, dự thảo luật thể hiện theo hướng chuyển tội khủng bố từ nhóm tội các tội xâm phạm an ninh quốc gia (theo quy định Bộ luật Hình sự hiện hành) thành tội nằm trong các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình... cho rằng, trong điều kiện chưa nghiên cứu toàn diện về tội chống khủng bố thì chưa nên tách tội này ra khỏi nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia.
Liên quan đến việc tách tội mua bán tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy thành các tội mua bán trái phép chất ma túy và tội tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy. Theo đó, sẽ xóa bỏ hình phạt tử hình đối với tội tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy. Về nội dung này, ý kiến của UBTVQH còn khác nhau. Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận tán thành với quan điểm nên tách tội mua bán tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy thành 2 loại tội như dự thảo luật. Tuy nhiên, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình... không tán thành với quan điểm này và cho rằng, trong bối cảnh tình hình mua bán, vận chuyển và tàng trữ chất ma túy có xu hướng diễn biến phức tạp và gây nhiều nhức nhối trong xã hội như hiện nay thì việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh tàng trữ, vận chuyển... sẽ chưa bảo đảm tính răn đe trong công tác phòng, chống ma túy. Theo Thứ trưởng Bộ Công An Lê Thế Tiệm thì tội phạm ma túy hiện đang là nhóm tội phạm rất nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng. Trong việc mua bán trái phép chất ma túy là tội phạm có tổ chức, những người tham gia vào việc tàng trữ- vận chuyển- mua bán trái phép chất ma túy đều có móc xích quan hệ với nhau. Do vậy, việc tách và hạn chế áp dụng hình phạt tử hình với nhóm tội này dễ tạo ra kẽ hở pháp lý.
Về việc tiếp thu, chỉnh lý những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lý lịch tư pháp, nhiều Ủy viên UBTVQH băn khoăn về sự cần thiết ban hành Luật Lý lịch tư pháp. Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, hiện nay Tòa án với chức năng xét xử, xác định hình phạt đối với các sai phạm sẽ tổng hợp, lưu trữ thông tin về án tích của công dân. Do vậy, có thực sự cần chuyển một phần công việc của Tòa án cho cơ quan khác thực hiện và ban hành thêm một văn bản Luật về Lý lịch tư pháp hay không? Theo Chủ tịch HĐDT, K’sor Phước, Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định xóa án tích do Tòa án sơ thẩm thực hiện, nếu quy định thêm việc Bộ Tư pháp cấp lý lịch tư pháp (như thể hiện trong dự thảo Luật Lý lịch tư pháp) sẽ tạo thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà cho người dân. Hơn nữa, hiện nay, cơ sở tàng thư án tích do Bộ Công an quản lý, Tòa án nhân dân tối cao cung cấp số liệu về án tích, xóa án tích. Nếu giao Bộ Tư pháp việc cấp giấy lý lịch tư pháp và thành lập các trung tâm cơ sở dữ liệu sẽ khiến một việc phải có nhiều cơ quan cùng thực hiện. Điều này không đúng với chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ: Một cơ quan nhà nước thực hiện nhiều công việc khác nhau.
Với tư cách là cơ quan thẩm tra dự thảo Luật Lý lịch tư pháp, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng, nhu cầu về lý lịch tư pháp đang tăng do nước ta đã hội nhập kinh tế thế giới, nên cần thiết phải ban hành Luật Lý lịch tư pháp để tạo hành lang pháp lý hoàn thiện cho công tác này. Để giảm phiền hà cho người dân, ngành công an, tòa án, chính quyền địa phương cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, thường xuyên để người dân không phải “chạy” qua nhiều cơ quan mới xin được lý lịch tư pháp.