Chủ nhiệm Kêdun Nhốtxayvibun đánh giá cao những đổi mới tích cực của cơ quan dân cử Việt Nam thời gian qua và mong muốn được tìm hiểu sâu sắc hơn nữa về tổ chức HĐND cấp tỉnh của Việt Nam. Trưởng ban Phạm Minh Tuyên đã giới thiệu về tổ chức, hoạt động HĐND cấp tỉnh của Việt Nam và khẳng định: HĐND tỉnh là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Từ năm 1986, cùng với công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định rõ vai trò quan trọng của HĐND tỉnh nên thiết chế này đã từng bước được hoàn thiện và ngày càng đổi mới. Các cuộc thảo luận, tranh luận sôi nổi giữa các đại biểu dân cử với cơ quan hành pháp hay các Phiên chất vấn và trả lời chất vấn về những vấn đề nóng bỏng của địa phương được truyền hình, truyền thanh trực tiếp đến cử tri trong tỉnh đã trở thành mẫu mực cho việc phát huy dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, Trưởng ban Phạm Minh Tuyên cũng cho rằng: Vẫn còn có nơi, có lúc, hoạt động của HĐND tỉnh còn hình thức. Khó khăn lớn nhất đối với hoạt động của HĐND tỉnh hiện nay là chất lượng đại biểu chưa cao, nhiều đại biểu kiêm nhiệm và không thực sự tâm huyết với nghiệp dân cử. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này, Việt Nam đã có nhiều cơ chế khuyến khích và phát huy tính phản biện xã hội của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, hội nghề nghiệp để cung cấp thêm các kênh thông tin phục vụ đại biểu dân cử trong quá trình thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương.
Trước băn khoăn của Chủ nhiệm Kêdun Nhốtxayvibun về việc HĐND là cơ quan đại diện cho người dân ở địa phương, là cơ quan dân cử nhưng lại do Chính phủ thống nhất quản lý thì có mâu thuẫn hoặc có lấn sân nhau hay không - Trưởng ban Phạm Minh Tuyên khẳng định: về hình thức thì tổ chức như vậy có vẻ sẽ lấn sân nhau nhưng Chính phủ hay HĐND tỉnh cũng đều phải hoạt động theo Luật và luật pháp Việt Nam đã quy định rất chặt chẽ về vấn đề này.
* Trước đó, Thường trực UB Kinh tế đã trao đổi với Chủ nhiệm Kêdun Nhốtxayvibun và Đoàn đại biểu UB Pháp luật Lào về những vấn đề liên quan đến việc xây dựng các đạo luật về khuyến khích, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Phó chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho biết: trước đây, Việt Nam cũng có 2 đạo luật riêng biệt về khuyến khích đầu tư đối với các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, gia nhập WTO, Việt Nam thống nhất, đồng bộ trong các chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư đối với cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài nên QH đã quyết định ban hành Luật Đầu tư chung. Việt Nam cũng có những chính sách ưu đãi riêng đối với các doanh nghiệp đầu tư vào các vùng kinh tế còn khó khăn, hạ tầng thiếu thốn; và chỉ những lĩnh vực đặc biệt quan trọng, nhạy cảm như ngân hàng, tài chính, chứng khoán, dầu khí thì mới do Trung ương cấp phép đầu tư còn lại đều phân cấp mạnh cho các địa phương. Tuy nhiên, khi phân cấp mạnh cho địa phương mà Trung ương không quản lý tốt thì rất dễ xảy ra tình trạng cạnh tranh và đầu tư không lành mạnh.