Sáng 19.3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ Mười tám.
Trong ngày đầu tiên của Phiên họp, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh.
Luật Điện ảnh được QH Khóa XI thông qua năm 2006 và có hiệu lực thi hành từ 1.1.2007 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng và phát triển nền điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ CNH- HĐH đất nước. Sau hơn 2 năm thi hành, Luật Điện ảnh đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh, bổ sung kịp thời để hoạt động điện ảnh tiếp tục phát triển, cụ thể là bảo đảm sự phù hợp giữa nội dung luật với các cam kết trong lĩnh vực điện ảnh đã ký với Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Đa số Ủy viên UBTVQH nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh và nhấn mạnh, điện ảnh thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng, tác phẩm điện ảnh mang tính đại chúng, có sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của nhân dân. Do vậy, dự thảo luật phải được sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước, bảo đảm hoạt động điện ảnh phù hợp với định hướng tư tưởng, đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam cũng các cam kết WTO mà Việt Nam đã ký.
Hiện nay, để bảo hộ nền điện ảnh trong nước và giữ gìn văn hóa dân tộc, điều 30 Luật Điện ảnh hiện hành đưa ra một số quy định nhằm hạn chế việc nhập khẩu phim. Theo đó, doanh nghiệp phát hành phim muốn nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim. Đối với doanh nghiệp sản xuất phim, số lượng phim nhập khẩu không được vượt quá 2 lần số lượng phim sản xuất. Đối với các đài truyền hình, số tập phim nhập khẩu không được vượt quá 2 lần số tập phim sản xuất... Để thực hiện đúng cam kết đã ký với WTO, dự thảo luật lần này bỏ quy định về hạn ngạch nhập khẩu phim và bổ sung thêm quy định về điều kiện "phải có rạp chiếu phim" đối với doanh nghiệp nhập khẩu phim. Cụ thể là doanh nghiệp điện ảnh có rạp chiếu phim được quyền nhập khẩu phim theo quy định của pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu. Đây được coi như một rào cản để kiểm soát nội dung phim nhập khẩu. Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận; Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi; Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai; Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba... không đồng thuận với quy định này và cho rằng, để kiểm soát nội dung phim nhập khẩu thì khâu duyệt phim mới là quan trọng. Mặt khác, theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận và Chủ nhiệm Lê Thị Thu Ba thì nếu sửa đổi, bổ sung thêm điều kiện "có rạp chiếu phim" mới được nhập khẩu phim thì dễ tạo cảm giác về sự phân biệt đối xử hay độc quyền giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Do đó, thay vì bổ sung điều kiện "có rạp chiếu phim" mới được nhập khẩu phim, dự thảo luật nên quy định theo hướng tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội đồng thẩm định phim.
Cùng với quy định về hạn ngạch nhập khẩu phim, các thành viên UBTVQH tập trung đóng góp ý kiến về việc thành lập và quản lý doanh nghiệp điện ảnh; Điều kiện thành lập doanh nghiệp điện ảnh; Quản lý Nhà nước về điện ảnh; Thuế nhập khẩu phim... Đây cũng là những nội dung còn ý kiến khác nhau khi UBTVQH cho ý kiến tại Phiên họp thứ Mười sáu vừa qua.
Liên quan đến vấn đề quản lý Nhà nước về điện ảnh, theo Luật hiện hành, chức năng quản lý Nhà nước về điện ảnh được giao cho Bộ Văn hóa - Thông tin. Sau khi có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, chức năng này được giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, thực tế, hiện nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ quản lý các phim chiếu tại các rạp và hệ thống video gia đình. Còn, phim phổ biến trên truyền hình do người đứng đầu cơ quan truyền hình chịu trách nhiệm. Trong khi đó, truyền hình là cơ quan báo chí thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Thông tin- Truyền thông. Để phù hợp với thực tiễn quản lý Nhà nước trong lĩnh vực điện ảnh, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đề nghị dự thảo nên thể hiện theo hướng đề cao trách nhiệm người đứng đầu của những cơ quan trực tiếp phổ biến, phát hành phim. Như vậy sẽ chặt chẽ và bảo đảm được chất lượng nội dung các phim phổ biến tới công chúng.
Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1157 của UBTVQH quy định một số chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của QH, các cơ quan của QH, các Ban của UBTVQH, VPQH và Đoàn ĐBQH.