(VOV)_ Theo số liệu thống kê từ Bộ Giáo dục-Đào tạo, từ nay đến năm 2015, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng gần 4 triệu lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu các ngành nghề: Công nghệ thông tin, Du lịch, Đóng tàu, Tài chính Ngân hàng. Tính trung bình, mỗi ngành nghề này cần bổ sung thêm từ 10.000-15.000 người/năm nhưng quy mô đào tạo hiện nay cũng chỉ đáp ứng được 40-60% nhu cầu nhân lực. Để cung cấp nguồn lao động chất lượng phục vụ cho sự phát triển đất nước thì vấn đề đào tạo nhân lực đạt trình độ cao, đáp ứng được với yêu cầu công việc đặt ra của các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước có ý nghĩa rất quan trọng.
Thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo
Trong vòng 6 tháng qua, 9 thỏa thuận cấp Bộ, gần 350 hợp đồng giữa các doanh nghiệp và nhà trường đã được ký kết. Tuy nhiên, để thực hiện những thỏa thuận này vẫn còn rất nhiều trở ngại mà chủ yếu là sự phối hợp giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo chưa được chặt chẽ và thường xuyên. Điều đó thể hiện rõ nhất là vẫn còn diễn ra thực trạng doanh nghiệp cần người lao động nhưng phải tự mầy mò vào các trường để tuyên truyền, thu hút sinh viên giỏi về làm việc. Về phía các cơ sở đào tạo lại bị động trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nên sinh viên ra trường còn yếu về kỹ năng thực hành, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc do doanh nghiệp đặt ra.
Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Giữa tháng 3/2008, Việt Nam được công nhận là quốc gia có năng lực đóng tàu đứng thứ 5 trên thế giới. Tuy nhiên, để duy trì vị trí này, ngành Đóng tàu đang đứng trước những thách thức rất lớn vì thiếu nhân lực ở mọi trình độ. Từ nay đến năm 2015, mỗi năm ngành Đóng tàu cần bổ sung thêm 15.000 người nhưng quy mô đào tạo hiện nay cũng chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhân lực. Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, tháng 1/2008, 22 thỏa thuận đào tạo nhân lực cho ngành Đóng tàu đã được ký kết giữa các trường học và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngay sau khi triển khai điều khoản, các bên đã gặp nhiều vướng mắc. Đó là sự phối hợp với các cơ sở đào tạo để xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao cho sinh viên còn rất hạn chế. Nhiều khi trường học đưa sinh viên đi thực tập nhưng không được chính các doanh nghiệp nhiệt tình chỉ dẫn cụ thể nên dẫn đến tình trạng sinh viên còn mơ hồ về kiến thức học được trên ghế nhà trường với yêu cầu công việc thực tế.
Nguồn nhân lực phục vụ cho ngành Công nghệ thông tin đang thiếu rất nhiều
Mỗi năm, Việt Nam có hơn 315.000 sinh viên tốt nghiệp nhưng chỉ 1/3 trong số đó đáp ứng được với yêu cầu công việc trong các doanh nghiệp. Đây là một sự lãng phí, đang làm mất lợi thế về nhân công trong nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Bành Tiến Long: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các ngành: Công nghệ thông tin, Du lịch, Đóng tàu, Tài chính Ngân hàng vừa thiếu lại vừa yếu, là do còn tồn tại những bất cập, yếu kém trong giáo dục đào tạo.
Tại các học viện, đại học, cao đẳng đào tạo chuyên ngành , chương trình đào tạo và nội dung giảng dạy chưa bắt kịp với trình độ thế giới và yêu cầu hội nhập, chưa tạo cho người học một khả năng thích ứng linh hoạt trong công việc. Ở nhiều trường học, phương pháp giảng dạy không hiệu quả, nặng về thuyết trình, đọc - chép dẫn đến tình trạng sinh viên học thụ động, chưa biết áp dụng lý thuyết học được với việc thực tập, thực hành. Ngoài ra, Bộ Giáo dục-Đào tạo cũng chưa có những báo cáo chính thức về hoạt động của các cơ sở đào tạo để có những đánh giá, quản lý chất lượng ở các cơ sở.
Về phía đội ngũ giảng viên cho lĩnh vực kinh tế còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực chuyên môn, kỹ năng thực hành, ít có điều kiện tiếp cận với môi trường doanh nghiệp, thiếu thời gian và cơ hội nâng cao trình độ. Mặt khác, do chính sách tiền lương nên việc tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở lại trường hoặc mời chuyên gia giỏi về làm giảng viên gặp nhiều khó khăn.
Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Đại học và sau Đại học (Bộ Giáo dục-Đào tạo) cho rằng: Một trong các yếu tố khiến việc đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu là do các trường đại học, cao đẳng thiếu thông tin từ tổ chức, doanh nghiệp và thị trường lao động. Nguyên nhân vì chưa có cơ chế và chính sách tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; chưa có hệ thống các cơ quan nghiên cứu, dự báo phân tích nhu cầu lao động. Bên cạnh đó, từng cơ sở đào tạo chưa có bộ phận hỗ trợ và theo dõi sinh viên sau khi tốt nghiệp để có phản hồi nên khoảng cách giữa cung và cầu trên thị trường lao động ngày càng nới rộng thêm.
Bài toán cho phát triển nguồn nhân lực
Trước thực tế thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao của các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Bộ Giáo dục-Đào tạo cần phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhanh chóng xây dựng đề án thành lập Trung tâm Quốc gia Thông tin thị trường lao động và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực. Trung tâm này sẽ là đầu mối tích hợp, xử lý thông tin thị trường lao động được cung cấp từ các mạng lưới thông tin thị trường lao động ở khu vực và trong nước. Đồng thời, Trung tâm còn là nơi thực hiện công tác phân tích, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực cho chính các doanh nghiệp đang cần người làm việc.
Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục-Đào tạo): Cần phải đẩy nhanh tiến độ đổi mới, cải cách giáo dục và xây dựng một chương trình đào tạo theo tiêu chí “chuẩn”: Cơ sở vật chất tốt, giáo viên giỏi, sinh viên tài năng. Để thực hiện tiêu chí này, các trường nên “bắt tay” với các doanh nghiệp nhằm kêu gọi sự tài trợ về kinh tế, tài chính để mở rộng, phát triển hạ tầng cơ sở; tăng cường bổ sung, cải tiến trang thiết bị giảng dạy. Ngoài ra, các trường đại học và doanh nghiệp cần tiến hành hợp tác xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đủ trình độ để đào tạo ra những sinh viên có học vấn, tay nghề, chất lượng đáp ứng kịp với yêu cầu đòi hỏi của doanh nghiệp. Trong đó, các trường đại học nên chú trọng đào tạo 20.000 tiến sĩ trong các lĩnh vực: Khoa học, công nghệ và quản trị kinh doanh. Ngoài ra, hai bên cùng áp dụng hình thức giảng dạy tiếng Anh để đến năm 2020, tiếng Anh sẽ trở thành lợi thế của người Việt Nam khi giao tiếp, làm việc trong nền kinh tế hội nhập.
Việt Nam đang được đánh giá là một trong những nước phát triển kinh tế nhanh nhất ở châu Á và cũng được coi là “điểm đến” an toàn của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để các nhà đầu tư mở rộng làm ăn tại nước ta thì vấn đề trước mắt là Việt Nam cần có chính sách ưu tiên, đầu tư cho giáo dục; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề chất lượng cao./.