Chương trình - sách giáo khoa: Nan giải bài toán vùng, miền

26/04/2008

Sách giáo khoa, nhất là SGK tiểu học được coi là công cụ quan trọng cho trẻ em lĩnh hội những kiến thức đầu tiên. Tuy nhiên hiện có nhiều ý kiến cho rằng nội dung SGK hiện nay còn chưa phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số…

(VOV)_ Mới đây, chúng tôi đã có bài phản ánh sự chênh lệch khá lớn về chất lượng giáo dục (link) giữa vùng đồng bào dân tộc và vùng đồng bằng. Tại Hội nghị Giáo dục Dân tộc, Thứ trưởng Phạm Vũ Luận đã thẳng thắn nhìn nhận: Hiện nay, nội dung trong sách giáo khoa (SGK) còn cao và chưa phù hợp với học sinh (HS) dân tộc thiểu số, một số nội dung chưa phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, trình độ tiếng Việt của HS tiểu học vùng dân tộc, chưa tạo được sự hấp dẫn đối với các em.

Sách giáo khoa - chương trình cao

Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) cho rằng, nội dung chương trình và sách giáo khoa (CT-SGK) hiện hành còn nhiều chỗ chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh học tập của HS tiểu học là người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, việc học tiếng Việt của HS dân tộc đang gặp rất nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến chất lượng giáo dục dân tộc thấp hơn chất lượng giáo dục đồng bằng.

Ông Phạm Văn Trung, Hiệu trưởng trường THCS Tả Phìn huyện Đồng Văn, Hà Giang cho biết, chương trình quá khó, chỉ có khoảng 60-70% HS “theo” kịp. Còn Ông Nguyễn Viết Chuyên, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Giang nêu một thực tế: cùng 1 lượng kiến thức, nếu dạy 45 phút cho HS miền xuôi thì dạy cho HS của Hà Giang  phải  mất tới 60 phút.

Tại Nghệ An, một trong những vấn đề tồn tại là hầu hết các trường đều lúng túng cả về chương trình, nội dung khi tổ chức phụ đạo cho HS yếu. Ông Lê Tiến Hưng, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết: “Với thực tế hiện nay, trong chỉ đạo thực hiện chương trình với miền núi dân tộc, điều quan trọng không phải là dạy đúng, đủ kiến thức theo SGK, mà là lựa chọn nội dung, cách dạy để HS học được. Đó chính là hướng đi phù hợp để giải quyết vấn đề chất lượng giáo dục của miền núi dân tộc. Trong thời gian tới, Sở GD- ĐT Nghệ An chỉ đạo, giáo viên cần thay đổi cách dạy cho HS vùng khó khăn theo hai hướng: Thứ nhất là, tập trung để các em đọc được, viết được, tính toán trong phạm vi các phép tính đơn giản theo chuẩn của chương trình”; phải xem đây là mục tiêu quan trọng nhất đối với GD vùng khó khăn, vùng dân tộc. Thứ 2, trong các môn học cung cấp nhiều kiến thức mới, giáo viên cần phải biết lựa chọn cái gì các em có thể học được để mà dạy”.

Trên thực tế, nhiều HS dân tộc thiểu số khi bước vào lớp 1 còn chưa thông thạo tiếng Việt, nói gì đến việc theo kịp chương trình? Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai cho rằng, khi triển khai chương trình tiểu học cải cách ở vùng dân tộc, thì vấn đề ngôn ngữ là rất cần thiết để việc học tập của HS có chất lượng hơn. Vì vậy, để tạo tâm thế tốt cho trẻ khi bước vào bậc tiểu học, cần thiết phải xây dựng CT phù hợp với đối tượng HS dân tộc thiểu số, trong đó có tính đến hoàn cảnh sống, truyền thống văn hoá, lịch sử địa phương.

Một hay nhiều bộ sách?

PGS Trần Xuân Nhĩ, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT kiến nghị: Phải xác định yêu cầu cơ bản của từng cấp học, từng địa phương, sau đó có chương trình dạy phù hợp cho từng vùng, miền. Với hai vùng khác nhau rất lớn về đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất, kinh tế-xã hội mà áp dụng cùng một chương trình, một bộ sách thì không hợp lý”. Cũng theo ông Nhĩ, hiện nay ngành giáo dục đang áp dụng thói quen “quản lý cứng”, nhà quản lý muốn ngày này, giờ này trên toàn quốc, lớp 1 cùng dạy, cùng học bài A. Trong khi thực tế, giờ đó HS miền núi không thể đến lớp được do thời tiết khắc nghiệt, giá lạnh, sương mù. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, cần có nhiều bộ SGK và ngay trong môn học cũng phải thể hiện tính vùng, miền. Ví dụ như, HS ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì học về cây lúa, Đắc Lắc học về cây cà phê...

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Lào Cai kiến nghị, trên cơ sở Chương trình giáo dục quốc gia, cần thiết phải có bộ SGK riêng cho vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là bộ SGK tiểu học. Trái lại, ông Hà Hùng (Uỷ ban Dân tộc) phân tích, nếu có CT- SGK riêng cho HS dân tộc thiểu số theo hướng giảm bớt yêu cầu cho HS vùng khó, thì vô hình chung lại tạo nên sự mất bình đẳng trong cùng một “sân chơi”. Bởi lẽ, khi vào ĐH, CĐ, các em sẽ phải thi đấu trên cùng một sân chơi. Bà Định Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Vùng Cao Việt Bắc (Thái Nguyên) cũng nhất trí rằng, không nên có CT-SGK riêng cho học sinh dân tộc thiểu số, để đảm bảo trình độ HS dân tộc ngang bằng HS vùng đồng bằng khi hội nhập quốc tế.

Trước nhiều ý kiến trái chiều nhau, Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, chương trình vẫn phải được xây dựng cho phù hợp để đảm bảo chất lượng giáo dục, chứ không giảm chất lượng đầu ra. Về bậc học THCS, THPT không nên có sự “châm chước” về nội dung, nhưng tùy từng địa phương có thể giảm một số môn và vấn đề này phải được nghiên cứu kỹ hơn. Trước mắt, Bộ GD - ĐT có thể biên soạn các sách giáo viên, sách hướng dẫn để GV dạy học sinh người dân tộc thiểu số chủ động “mềm hoá” chương trình, sao cho phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và trình độ của người học./.

Nguyễn Hằng (Báo Tiếng nói Việt Nam)

(http://www.vovnews.vn/)