Thực hiện tốt xã hội hoá y tế - Giải pháp hiệu quả để nâng cao sức khoẻ cho nhân dân

22/04/2008

(ĐCSVN) – Đó là nội dung mà bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội trao đổi với báo giới bên hành lang phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ QH.

Phóng viên: Một số ý kiến cho rằng, hiện nay chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến đầu tư cho chăm sóc sức khỏe?

Bà Trương Thị Tuyết Mai: Đất nước ta còn khó khăn, ngân sách thấp, việc phải “chia” chiếc bánh ngân sách ra nhiều khoản là lẽ đương nhiên nhưng quan trọng là sử dụng như thế nào. Đối với sử dụng tiền chi cho y tế là vấn đề cần phải được cơ cấu ra sao cho hợp lý là vấn đề cần coi trọng. Và phải tiếp tục thay đổi cơ cấu đầu tư tài chính cho y tế, đặc biệt quan tâm tới người nghèo, đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Cần thực hiện tốt việc xã hội hóa và tăng ngân sách nhà nước cho các hoạt động y tế, thì chúng ta sẽ có tiền để ưu tiên đầu tư cho những vùng, những đối tượng khó khăn.Như vậy, xã hội hóa góp phần giúp thay đổi được cơ cấu đầu tư cho ngân sách đang còn hạn hẹp.Đã đến lúc, cần phải tiếp tục thay đổi về nhận thức đầu tư cho sức khỏe.

Hiện ngân sách dành cho y tế vào khoảng gần 7%. Nếu tăng lên 10% cho năm 2010 như Bộ Y tế đang đề xuất( việc này cũng cần phải được Quốc hội xem xét thông qua) và lại tiếp tục thay đổi cơ cấu đầu tư thì tỉ lệ sẽ tăng lên và sẽ thay đổi được vấn đề chăm sóc sức khỏe người dân.

Phóng viên: Theo bà thì Quốc hội có ủng hộ việc tăng cường đầu tư cho bệnh viện tư nhân?

Theo tôi chắc là Quốc hội sẽ ủng hộ. Hiện nay chúng ta đã nghiên cứu những vấn đề liên quan đến thuế đất đai, thuế tín dụng, thuế thu nhập doanh nghiệp …. Chính sách đó thay đổi cùng với pháp lệnh hành nghề tư nhân sẽ tạo cơ chế khuyến khích cho tư nhân đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay, theo tôi, là nên tập trung đầu tư cho bệnh viện của Nhà nước. Đó là nền tảng để nhà nước thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, và điều đặc biệt cần coi trọng là nâng cao chất lượng phục vụ, điều trị để tạo niềm tin, uy tín của các bệnh viện này đối với nhân dân, trong đó cần làm rõ mô hình xã hội hóa bệnh viện công.

Phóng viên: Thưa bà, ngân sách dành cho y tế là có hạn. Vậy làm thế nào để vẫn phát triển được sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân?

Bà Trương Thị Tuyết Mai: Như các bạn đã biết, ngân sách nhà nước chi cho y tế năm 2002 là 6.336 tỷ đồng, đạt 4,4%; năm 2007 tăng lên 20.710 tỷ đồng, đạt 5,6% tổng chi ngân sách. Dự toán năm 2008 sẽ chi 24.423 tỷ đồng, đạt 6,1%.

Tôi nghĩ có nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác này. Nếu hàng năm chỉ dựa vào ngân sách nhà nước dành cho y tế thì sẽ khá khó khăn. Giải bài toán này, tốt nhất là thực hiện xã hội hóa y tế để cả xã hội cùng chung tay tham gia. Bên cạnh đó, Chính phủ đã quyết định cho mua trái phiếu. Chúng ta có thể dành khoản tiền lớn để đầu tư ngân sách cho y tế tuyến huyện. Và mỗi địa phương cần chủ động, sáng tạo tìm giải pháp phù hợp với thực tế ở địa phương mình để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh chứ không nên chỉ dựa vào ngân sách nhà nước.

Phóng viên: Có một thực tế, vì tiết kiệm 1 tỷ cho phòng chống dịch bệnh nhưng, chúng ta đã phải chi tới 4 tỷ đồng để dập dịch?Việc cơ cấu chi cho phòng chống dịch như thế liệu có lãng phí?

Bà Trương Thị Tuyết Mai: Như các bạn đã biết, WHO đã khuyến cáo trong ngân sách dành cho y tế dự phòng thì 30% dành cho y tế. Tất nhiên với điều kiện hiện nay của Việt Nam, không thể thực hiện được tỉ lệ này. Hiện tỷ lệ mới chỉ là 10-15%, sẽ phải tăng dần lên để đạt mức 30% như yêu cầu.

Do đó, trong Nghị quyết sắp tới trình QH thông qua, chúng tôi mong muốn không chỉ chi ngân sách theo lộ trình mà còn chi cho y tế dự phòng trong ngân sách đó. Có như vậy mới trở thành định hướng cụ thể để phân bổ chi tiêu.

Phóng viên: Hiện nay, các bệnh viện cho rằng chính sách thu viện phí chưa hợp lý nên không đảm bảo cho tái đầu tư. Về vấn đề này nên điều chỉnh như thế nào cho hợp lý?

Bà Trương Thị Tuyết Mai: Viện phí hiện đang đi theo hai bước. Thứ nhất là tính đúng, tính đủ cho người bệnh, phù hợp với điều kiện hiện nay của VN và hiện nhà nước vẫn còn phải bỏ tiền ra để mua BHYT cho một số đối tượng.

Khi bước đầu tiên đã hoàn thiện, chúng ta sẽ tiến sang bước thứ hai, là tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí theo giá thị trường. Khi đó sẽ kết hợp với việc bảo hiểm y tế toàn bộ cho người dân. Người dân đến bệnh viện khám chữa bệnh cơ bản thông qua BHYT. Lúc đó bệnh viện công sẽ hoàn toàn tự chủ về nhân lực, về trả lương, về tuyển dụng, cũng như trong việc xây dựng cơ sở vật chất và mua trang thiết bị y tế.

Nhưng chúng ta phải đi hai bước mới phù hợp với tình hình Việt Nam chứ chưa thể thực hiện ngay được việc tính đúng, tính đủ chi phí.Chính sách thu viện phí trong thời gian qua chưa khuyến khích các bệnh viện tăng cường đầu tư để phát triển kỹ thuật, thúc đẩy bảo hiểm y tế phát triển. Nếu tiếp tục thực hiện thu một phần viện phí như hiện nay thì không thể giải quyết được bài toán kinh tế y tế trong bệnh viện và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế do: Cơ cấu thu viện phí còn chưa đầy đủ, mới chỉ quy định thu tiền thuốc và một phần chi phí điện, nước thông qua thu tiền ngày, giường điều trị nội trú.

Thanh Hoa (lược ghi)

(http://www.cpv.org.vn/tiengviet)